Ngân hàng gặp khó vì sổ hồng thế chấp bị thu hồi

08/01/2025
Nhiều ngân hàng đang đứng trước rủi ro khi sổ hồng đã được thế chấp hợp lệ bỗng bị các cơ quan có thẩm quyền hủy, thu hồi.

Gần đây, một số ngân hàng bị các cơ quan có thẩm quyền hủy, thu hồi sổ hồng, sổ đỏ của một số khách hàng với lý do "chúng được cấp không đúng quy định". Đây là những sổ hồng, sổ đỏ đã được thế chấp tại ngân hàng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay, theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các nhà băng lưu ý rằng, điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn khi "việc hủy, thu hồi sổ hồng đang được sử dụng trong quan hệ thế chấp ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của các nhà băng khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ".

Sổ hồng thế chấp ngân hàng bất ngờ bị thu hồi khiến nhà băng gặp khó. 

Sổ hồng thế chấp ngân hàng bất ngờ bị thu hồi khiến nhà băng gặp khó. 

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng, phòng ngừa và hạn chế rủi ro, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị nghiên cứu luật về đất đai có liên quan như Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 43/2014... để đánh giá đầy đủ rủi ro, kịp thời bổ sung hoàn thiện các quy định nội bộ về cấp tín dụng khách hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải bổ sung thỏa thuận hoặc cam kết của khách hàng về biện pháp bảo đảm thay thế khi sổ hồng bị hủy, thu hồi. Khách hàng cần thông báo cho tổ chức tín dụng khi phát sinh tình huống này hoặc các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết khác.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, việc cấp sổ hồng hay giấy tờ liên quan đến nhà đất thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng, cho nên rất khó để yêu cầu nhà băng phải chịu trách nhiệm hay kiểm soát về vấn đề này.

Giới chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đánh giá, việc hủy, thu hồi sổ hồng là rủi ro chính sách. Một khi cơ quan chức năng đưa ra những quyết định sai khiến phải hủy, thu hồi... thì họ cũng phải có biện pháp thay thế. Trong đó, phải xem xét trách nhiệm cá nhân thuộc về ai, của cơ quan nào làm sai và phải chịu trách nhiệm giải quyết chứ không nên đẩy trách nhiệm cho ngân hàng. "Bởi khi các tổ chức tín dụng cho vay họ đã thẩm định kỹ rồi", một chuyên gia nói.

Lệ Chi

Nguồn: