Ngân hàng gấp rút hỗ trợ cho khách hàng cá nhân

25/11/2024
Dịch COVID -19 kéo dài khiến thu nhập giảm mạnh, nhiều khách hàng cá nhân lo lắng các khoản vay trước đó trở thành gánh nặng tài chính. Hỗ trợ khách hàng, nhiều ngân hàng giảm lãi, giãn nợ, cơ cấu lại nợ.

Người dân mong chờ

Chia sẻ với thoibaonganhang.vn, cô Võ Thị Út (phường Long Tuyền, TP. Cần Thơ) cho biết, vào năm 2020, cô có vay ngân hàng 700 triệu đồng với lãi suất 11%/năm để kinh doanh ăn uống. Khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài, thành phố thực hiện giãn cách khiến việc kinh doanh của gia đình cô gặp khó khăn.

"Vài tháng đầu tôi cố vay mượn bạn bè, người thân để chi trả nhưng giờ đây những chi phí này đã trở thành gánh nặng tài chính rất lớn. Những ngày qua, nghe tin mỗi ngày số ca mắc COVID-19 càng giảm, đặc biệt là ngân hàng gửi tin nhắn thông báo giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ, tôi cũng bớt đi phần nào lo lắng", cô Út nói.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Bình (Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng anh ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngân hàng mua chiếc xe 45 chỗ để kinh doanh chở khách và dùng chính chiếc xe làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ tháng 1/2020, công việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng phải vay mượn khắp nơi để trả khoản tiền gốc và lãi vay mua xe gần 40 triệu đồng/tháng. Rất may, gần đây ngân hàng thông báo giảm tiền vay giúp gia đình anh bớt phần nào trách nhiệm tài chính.

Không có gánh nặng trả nợ hàng tháng như trên nhưng khi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân, chị Tống Khánh Linh (TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã nhen nhóm ý định làm hồ sơ để vay mở rộng cửa hàng tiện ích, đầu tư nhập thêm nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân trong khu phố. Chị cho biết ý định mở rộng kinh doanh đã có từ lâu và nhân dịp lãi suất vay xuống thấp, chị có động lực để thực hiện mong muốn của mình.

Ngân hàng gấp rút vào cuộc

Quan điểm đồng hành cùng khách hàng đang lan rộng trong giới ngân hàng, khi nhiều nhà băng đã đưa ra các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, gấp rút rà soát, hoàn thiện quy trình hỗ trợ với thủ tục đơn giản, nhanh chóng để kịp thời đưa vốn tới người dân, phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" tiếp tục thực hiện giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi.

Đơn cử, từ trung tuần tháng 8, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo giảm lãi suất cho vay với cá nhân bị tác động bởi COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, với mức giảm 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương và 0,3%/năm với các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam khác giãn cách xã hội.

Đặc biệt, đối với khách hàng cá nhân là cán bộ y tế công tác tại các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trên toàn quốc, ngân hàng cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chưa từng có.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống, không tài sản bảo đảm, quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay cố định 1%/năm; Gói tín dụng phục vụ nhu cầu nhà ở, quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay cố định 5,5%/năm áp dụng cho 24 tháng đầu…

Không chỉ vậy, hàng loạt ngân hàng khác cũng tham gia giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng cá nhân. Như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dành gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi. Trong đó, MSB giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã giảm đồng loạt lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%. Riêng với khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống, MB giảm lãi suất cho vay 0,5%-1% /năm, tùy vào mức ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, với việc giảm lãi suất lần này, các ngân hàng đã đưa mặt bằng lãi suất về chỉ từ 4%/năm -  mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.

Việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay với nhóm khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Về việc miễn, giảm lãi suất cho vay cho khách hàng cá nhân, đại diện nhiều nhà băng cho biết đang gấp rút hoàn thiện rà soát hồ sơ, chủ động thông báo về chương trình, khách hàng không cần ký bất kỳ văn bản hay đề nghị về giảm lãi suất cho vay.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MB thông tin, chỉ tính trong tháng Tám, MB đã miễn, giảm lãi vay 400 tỷ đồng, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có 250 tỷ đồng miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng cá nhân với dư nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.

Theo đó, MB đã chủ động nhắn tin/gọi điện/gửi email tới các khách hàng để thông báo về việc được giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tại kỳ trả lãi, ngân hàng cũng thông báo chi tiết số tiền lãi phải trả theo lãi suất đã được giảm để khách hàng nắm thông tin. Khách hàng không cần ký kết bất kỳ văn bản hay đề nghị nào về giảm lãi suất cho vay nào.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng, các bộ, ngành khác cũng cần vào cuộc. Bởi theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu dịch bệnh kéo dài, thu nhập giảm sút có thể đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất khả năng trả nợ.

Nguồn: