Ngân hàng giảm rủi ro vay mua nhà khi 'bỏ trứng nhiều giỏ'

21/05/2024
Techcombank là một trong số ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngắn hạn và cá nhân vay mua nhà nhằm phân tán rủi ro.

Nhu cầu vay mua nhà ở lớn

Theo một khảo sát của Techcombank mới đây, mỗi năm có khoảng 700.000 - 800.000 cặp vợ chồng mới cưới, tạo ra nhu cầu mua nhà hàng năm lớn.

Tại sự kiện tiếp xúc nhà đầu tư gần đây, bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Khối Dịch vụ bán lẻ và Ngân hàng Tài chính cá nhân Techcombank bày tỏ góc nhìn lạc quan. "Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm 6-7%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại Việt Nam", bà nhận định.

Cũng theo bà Phượng, mô hình gia đình truyền thống và nhu cầu an cư lập nghiệp của những người trẻ và hộ gia đình trẻ đang thay đổi. "Gia đình truyền thống ở Việt Nam trung bình chỉ có 3-4 người, so với cách đây 10 năm là 4 người trở lên, cho thấy xu hướng các gia đình trẻ hơn, ít thành viên hơn, nhu cầu mua nhà ở nhiều hơn", bà Phượng lấy dẫn chứng.

Khách hàng làm thủ tục tại một quầy giao dịch của Techcombank.

Khách hàng làm thủ tục tại một quầy giao dịch của Techcombank.

Chiến lược phân tán rủi ro

Thay vì cho vay bất động sản tập trung vào các chủ đầu tư, rủi ro tập trung, nhiều nhà băng chuyển sang "nắn dòng", phân tán rủi ro sang cấu phần người tiêu dùng mua nhà để ở. 

Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Quản trị Techcombank cho biết lĩnh vực cho vay mua nhà ở tại ngân hàng này có sự dịch chuyển từ tập trung cho vay đối với các chủ đầu tư sang cho vay theo chuỗi giá trị. Theo đó, thay vì cho vay trung dài hạn với chủ đầu tư, nhà băng này đẩy mạnh các khoản vay ngắn hạn đối với nhà thầu xây dựng, các nhà phân phối, cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở.

"Techcombank cũng chia thành các phân khúc tập trung. Với khách hàng vay mua nhà ở, chúng tôi lựa chọn đối tượng thu nhập khá và cao, những người có năng lực tài chính tốt và thanh toán đúng hạn. Trên thực tế triển khai cho vay mua nhà ở, thì tỷ lệ nợ xấu đối với mảng này của Techcombank rất thấp, dưới 1%", ông Đỗ Tuấn Anh cho biết.

Techcombank dự kiến cho vay mua nhà ở năm 2020 tăng trưởng trên 35% dư nợ của ngân hàng.

Ông Trịnh Bằng, Giám đốc Khối Tài chính Kế hoạch Techcombank nhận định, chủ đầu tư dự án bất động sản dễ gặp rủi ro trong bối cảnh môi trường vĩ mô, điều kiện thị trường thay đổi như hiện nay. "Với ngân hàng, khi cho vay khách hàng cá nhân mua nhà sơ cấp và thứ cấp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, rủi ro ngành và lĩnh vực ở đây cũng được phân tán", đại diện nhà băng nói.

Sự dịch chuyển vốn sang cấu phần người tiêu dùng mua nhà để ở cũng tác động tới khả năng thu hồi vốn. Theo các chuyên gia, nếu chủ đầu tư chủ yếu nhìn vào dòng tiền của dự án để trả nợ, thì người mua nhà để ở từ nguồn thứ cấp và cá nhân mua đi bán lại để ở có dòng tiền đa dạng và thu nhập ổn định nhờ phân tán rủi ro, đảm bảo năng lực trả nợ.

Cơ chế tách bạch và định vị rõ các phân khúc rủi ro cũng được quy định rõ bởi Thông tư 36 từ năm 2014, với mức độ rủi ro tiềm ẩn khác nhau. Cụ thể, hệ số rủi ro cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được áp tới 200%, nhưng với cho vay mua nhà để ở phục vụ nhu cầu người dân chỉ 50%. 

Phong Vân

Nguồn: