Theo thống kê, có 11/13 ngân hàng được nới room tín dụng đợt này. Trong đó, TPBank là ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là 17,4%. Sở dĩ 2 nhà băng này được nới room tín dụng cao nhất do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, có những cam kết hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài TP Bank, một số ngân hàng được nới room tín dụng lên từ 13% - 16% gồm: Techcombank (17,1%), MSB (16%), MB (15%), VIB (14,1%), ACB (13,1%), LPB (13,1%). Các ngân hàng còn lại được nới room lên mức từ 9,5-12,5% gồm: VCB (12,5%), VPB (12,1%), SHB (10,5%), STB (10,5%), OCB (10%), CTG (9,5%).
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng NHNN cho biết, dựa vào xếp hạng A, B, C của từng TCTD để cấp hạn mức tín dụng. Trong các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ 03 tháng cuối năm, NHNN cho biết sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Theo đó, các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được ưu tiên xem xét. Đây cũng chính là lý do khiến Techcombank được cấp tín dụng cao nhất.
Đánh giá về nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và bán lẻ có thể giảm mạnh, từ đó giảm tăng trưởng về tín dụng chung của toàn ngành. Các ngân hàng được đánh giá là sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn với chất lượng tín dụng cao nhằm hạn chế rủi ro. BSC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống mức 13% trong năm 2021, giảm 1% so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, dù dịch bệnh COVID-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, ảnh hưởng này không làm giảm quá nhiều lợi nhuận, do nhiều ngân hàng đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch lợi nhuận năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng dự kiến đạt lần lượt 408.692 tỷ đồng và 169.857 tỷ đồng - mức cao hơn so với tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chung. Việc hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ tháng 7/2021 khiến giảm thu nhập lãi trong quý 3/2021, tuy nhiên vào quý 4/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu tín dụng phục hồi trở lại thì thu nhập lãi cũng có thể tăng trở lại.
BSC dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng lên mức 22,2% (so với mức 18,4% dự báo trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021. Theo số liệu từ NHNN, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 540.000 tỷ đồng, tính từ ngày 23/1/2020 và đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất tương đương gần 30.000 tỷ đồng cho trên 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 3,5 triệu tỷ đồng.
NHNN tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được thực hiện trong thời gian tới và việc NHNN sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng. Đây sẽ là cơ hội cho cả ngân hàng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-9 lần thứ 4.
Nguồn: