Ngân hàng tăng cường thu hồi nợ

14/11/2024
Bên cạnh việc bán tài sản thế chấp thu hồi nợ, các ngân hàng đã vận dụng nhiều biện pháp khác nhau để nhanh chóng về đích trong việc xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây rao bán mảnh đất diện tích gần 1.300 m2 và các tài sản gắn liền trên đất (111 Lê Lợi, TP. Huế) trị giá 135 tỷ đồng. Ngân hàng cũng bán luôn các tài sản gắn liền trên đất nhằm mục đích thu hồi nợ theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn rao bán một tài sản khác ở đường Hùng Vương, TP. Huế là quyền sử dụng đất và sở hữu nhà với diện tích hơn 1.136 m2 với giá trị rao bán trên 105 tỷ đồng.

Cả hai trường hợp ngân hàng rao bán tài sản trên đều do phía đối tác nhận góp đất đầu tư xây dựng khai thác và cho thuê trong đó có sử dụng vốn ngân hàng, cá biệt có trường hợp sử dụng đất nhà nước theo hình thức thuê để góp vốn đầu tư kinh doanh nay đã hết thời hạn thuê đất.

Ngân hàng tăng cường thu hồi nợ - Ảnh 1.

Các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu.

Đầu năm nay BIDV Nam Sài Gòn đã rao bán hai quyền sử dụng đất ở Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, giá chào bán hơn 77,3 tỷ đồng. Ngoài ra các mảnh đất có trị giá thấp dưới 10 tỷ đồng ở các đô thị lớn là tài sản đảm bảo nợ vay thời gian gần đây ngân hàng này liên tục rao bán để thu hồi nợ.

Tương tự một số ngân hàng khác cũng liên tục thông báo bán đất đai là tài sản đảm bảo nợ vay. Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu thời gian qua đã tạo điều kiện cho các ngân hàng xử lý các khoản nợ trây ì đặc biệt là cơ chế bán tài sản trong Nghị quyết 42 đã mở đường cho các TCTD xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu và tài sảm đảm bảo của các khoản nợ này để thu hồi nợ, để đưa tiền vốn ngân hàng huy động trong dân vào phục vụ các dự án khác có hiệu quả.

Bên cạnh việc bán tài sản thế chấp thu hồi nợ, các ngân hàng đã vận dụng nhiều biện pháp khác nhau để nhanh chóng về đích trong việc xử lý nợ xấu. Đơn cử, như đôn đốc khách hàng trả nợ hay xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro... Theo số liệu thống kê, việc thu hồi nợ từ nguồn khách hàng tự trả nợ trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến nay chiếm tỷ trọng cao nhất (26,43%) so với tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã xử lý.

Đặc biệt các ngân hàng còn tập trung mua lại nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) về để tự xử lý nhằm làm sạch nợ tại VAMC. Theo số liệu thống kê của VAMC, tính đến nay đã có 19 ngân hàng mua lại hết nợ đã bán cho công ty này để tự xử lý. Bao gồm Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB, VietBank, VietinBank.

Theo quy định hiện hành, VAMC có thể mua lại nợ xấu từ các TCTD dưới hai hình thức, mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt hoặc “mua đứt bán đoạn” theo cơ chế thị trường. Với hình thức mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu theo quy định. Trái phiếu đặc biệt có lãi suất 0%. Thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 5 năm. Trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 năm…

Cũng theo quy định hiện hành, các TCTD sở hữu trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành phải xác định hệ số rủi ro là 20% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của TCTD. Trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt, TCTD bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động…

Việc các ngân hàng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC là nhằm mục tiêu đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu và cái được đầu tiên là tạo ra một hình ảnh thương hiệu ngân hàng vững chắc hơn vì đã không còn nợ xấu. Theo đó để mua lại nợ của chính mình nằm ở VAMC, ngân hàng đó phải có nguồn lực tài chính vững mạnh. Agribank là ngân hàng điển hình có số lượng nợ xấu được xử lý. Từ đó, giúp hiệu quả kinh doanh ngân hàng này bật dậy sau nhiều năm có kết quả kinh doanh không như mong muốn.

Nói như một lãnh đạo VietinBank, việc tăng cường trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt và áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý nợ trong thời gian qua đã giúp nhà băng này có thể “tất toán” nợ đã bán cho VAMC trong vòng 2 năm thay vì theo hạn định 5 năm.

Không phủ nhận hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện tích cực trong mấy năm vừa qua đã tạo điều kiện cho các ngân hàng củng cố năng lực tài chính để xử lý nợ xấu. Theo đó, hầu hết các ngân hàng đều trích lập đúng, đủ dự phòng rủi ro, thậm chí không ít ngân hàng còn trích lập quỹ dự phòng rủi ro khá lớn. Đó là nguồn lực cần thiết để các ngân hàng xử lý nợ xấu hiện tại cũng như trong tương lai.

Nguồn: