Ngành bảo hiểm đang chịu tác động thế nào bởi Covid-19?

22/11/2024
Đại dịch đã có những ảnh hưởng phức tạp đối với cả hai phân ngành ngành bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Các công ty bảo hiểm sẽ gặp khó khăn với hoạt động đầu tư, vốn dĩ là nguồn lợi nhuận chính khi lãi suất huy động và lợi suất trái phiếu đều giảm mạnh.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo phân tích về ngành bảo hiểm với nhận định bảo hiểm phi nhân thọ đang phục hồi tốt hơn bảo hiểm nhân thọ sau dịch bệnh. 

Tăng trưởng ngành bảo hiểm chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh

Theo VDSC, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm 2020 đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, thấp hơn tốc độ tăng 25-32% trong bảy năm liên tiếp gần đây. 

Doanh thu tăng trưởng kém do các công ty phải hủy nhiều chương trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, các sự kiện bán hàng và marketing do lệnh giãn cách xã hội trong thời kì dịch bệnh. Giãn cách xã hội khiến thu nhập khách hàng giảm, dẫn đến thanh toán phí bảo hiểm bị chậm trễ. 

Đại dịch đã gây thêm áp lực khiến tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm mới giảm tốc, điều đã được nhìn thấy từ nửa cuối năm 2018 khi các công ty tốp đầu thay đổi chiến lược hướng tới lợi nhuận hơn là thị phần. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng phí bảo hiểm sẽ chậm lại trong những năm tới.

Trong khi đó, bảo hiểm phi nhân thọ - Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng mạnh do những lo ngại về vấn đề sức khỏe. Phí bảo hiểm phi nhân thọ gốc 6 tháng đầu năm 2020 đạt 26.991 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. 

Trong đó, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng nhanh hơn một chút với tốc độ 7,7%. Ngược với đà giảm của phân khúc bảo hiểm tai nạn cá nhân (giảm 10%) và bảo hiểm y tế (giảm 3%), bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng vọt gần 70%, được thúc đẩy bởi tâm lý lo âu đối với các vấn đề sức khỏe xảy ra bất ngờ. VDSC cho rằng đây sẽ là xu hướng chính của ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong tương lai.

Doanh thu bảo hiểm cháy nổ cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ lên đến 12,8% so với cùng kỳ trong bối cảnh nhiều quy định mới chặt chẽ hơn về phòng cháy chữa cháy đã hoặc sẽ có hiệu lực trong năm 2020. 

Trong khi đó, phí bảo hiểm của các sản phẩm chính khác giảm hoặc tăng trưởng kém do sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Bảo hiểm vận chuyển hàng hóa và bảo hiềm hàng không giảm mạnh lần lượt 11,4% và 16,1%, trong khi bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản & thiệt hại tăng nhẹ lần lượt là 4,2% và 9,5%. 

Bảo hiểm phi nhân thọ phục hồi nhanh hơn bảo hiểm nhân thọ về khả năng sinh lời

VDSC cho rằng, các công ty bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ) sẽ gặp khó khăn với hoạt động đầu tư, vốn dĩ là nguồn lợi nhuận chính. Lãi suất huy động và lợi suất trái phiếu thấp cùng với tình trạng thiếu thông tin hỗ trợ cho thị trường chứng khoán là những yếu tố khiến lợi suất đầu tư của các công ty suy giảm.

Một nghiên cứu gần đây của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER) cho thấy lãi suất thực sau các cơn đại dịch giảm đáng kể trong nhiều thập kỷ, trước khi trở lại mức trước đại dịch, do tình trạng thiếu lao động và tiết kiệm cao hơn. 

Theo đó, nhóm phân tích của VDSC kỳ vọng rằng bảo hiểm nhân thọ có khả năng tăng trưởng phí thấp trong những năm tới. Trong đó, chiếm tỷ trọng đáng kể là các sản phẩm liên kết đầu tư, nhằm giảm thiểu sự bất cân xứng giữa lãi đầu tư nhận được trong tương lai và nghĩa vụ chi trả đã cam kết với khách hàng trước COVID-19.

Đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, tình hình có thể "dễ chịu" hơn: Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phục hồi khi các hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Ngoài ra, vì hầu hết các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có thời hạn một năm và không có điều khoản chia lãi nên rủi ro bất cân xứng gần như bằng không. Do đó, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể thúc đẩy tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm để bù đắp cho lợi nhuận đầu tư thấp.

Nguồn: