Thanh lý hàng loạt
Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ, trong đó, lĩnh vực vận tải là một ví dụ điển hình. Điều này dẫn đến tình trạng hàng loạt ngân hàng thông báo rao bán ôtô là tài sản đảm bảo (TSĐB) của các khoản nợ xấu , để xử lý và thu hồi nợ với mức giá rẻ hơn so với thị trường từ 30-120 triệu đồng/xe tuỳ vào hình thức, niên hạn, chất lượng xe,...
Các ngân hàng ồ ạt rao bán ô tô thanh lý để xử lý thu hồi nợ xấu
Các dòng xe từ hạng sang đến bình dân đều được rao bán. Đầu tháng 7, ngân hàng TPMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã rao bán một xe ô tô Lexus biển số 30F-264… với giá khởi điểm 2,47 tỷ đồng... Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đang thông báo thanh lý hàng loạt xe ô tô như Huyndai Kona-2020, Toyota Vios E 2019, Mazda 3-2020, Toyota Vios BKS 68A, Ford Transit BKS 83B SX 2018, Ford Ranger 17C, Toyota Fortuner 61A SX 2018… với giá khoảng 280 triệu đồng đến 780 triệu đồng.
Tương tự, Techcombank cũng liên tục đăng nhiều thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là ôtô. Cuối tháng 5, ngân hàng này đã thông báo bán đấu giá chiếc ôtô Suzuki Ertiga sản xuất năm 2017 với giá khởi điểm 318,6 triệu đồng.
Tích cực thanh lý thu hồi nợ còn có tên VPBank, trong tháng 6 đã có 3/3 đợt bán đấu giá là 3 lô ô tô, tháng 5 có 4/6 đợt bán đấu giá là 4 lô ô tô…Chiếc rẻ nhất được bán với giá khởi điểm là 239,798 triệu đồng và chiếc đắt nhất có giá khởi điểm 7,77 tỷ đồng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, LS. Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, Nhà nước cũng như Chính phủ luôn đề cao và coi trọng việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại các Ngân hàng, tạo ra sự trong sạch hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng, mặt khác, thúc đẩy sự phát triển của loạt hình dịch vụ mới, dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Về nguyên tắc, khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng, nếu vay có TSĐB thì khách hàng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản, có thể là thế chấp tài sản của bên thứ ba hoặc thế chấp tài sản của chính khách hàng vay. Khi khách hàng không trả nợ theo Hợp đồng tín dụng đã ký thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
Theo đó, tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là yếu tố cốt lõi của quan hệ thế chấp, xuyên suốt toàn bộ quá trình xác lập và thực hiện hợp đồng thế chấp, đảm bảo quyền lợi của ngân hàng. Chính vì vậy, việc đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý TSĐB thu hồi nợ. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Một số giấy tờ pháp lý trong hồ sơ Ngân hàng cần chuẩn bị khi thực hiện bán tài sản thông qua Tổ chức bán đấu giá tài sản như: Quyết định của Ngân hàng (người có đủ thẩm quyền ký quyết định) về việc lựa chọn Tổ chức bán đấu giá tài sản; Văn bản đề nghị bán đấu giá tài sản; Bản án, quyết định thi hành án, quyết định kê biên xử lý tài sản thi hành án; Văn bản định giá tài sản và các giấy tờ có liên quan đến giá tài sản; Văn bản xác định giá trị giá khởi điểm của tài sản.
Nên mua hay không?
Theo chị Phương Hà, nhân viên tại một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho biết, gần đây ngân hàng chị làm việc đang phải rao bán, thanh lý nhiều xe ô tô , thường là của các doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ; và một phần là của khách hàng mua trả góp, chưa trả được bao nhiêu đã mất năng lực thanh toán. "Khi làm thủ tục thế chấp, thường chúng tôi có bộ phận thẩm định tài sản và định giá, cho đến khi thu hồi và đem thanh lý thì đều giữ nguyên trạng tài sản. Xe thanh lý được đảm bảo về nguồn gốc, mà thường người mua xe sẽ phải mua các loại bảo hiểm cho xe, vì vậy việc kiểm tra lỗi xe, các vấn đề của xe đơn giản, không gặp phải rắc rối về sau này".
Chị Hà cũng cho biết thêm, tài sản thanh lý được ngân hàng rao bán theo hai hình thức mua bán trực tiếp hoặc thông qua đấu giá. Khách hàng có thể liên hệ với ngân hàng và làm các thủ tục nếu muốn mua trực tiếp, còn hình thức bán đấu giá sẽ thông qua một công ty thứ ba.
LS. Nguyễn Thế Truyền
LS. Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc thanh lý tài sản và mua tài sản thanh lý này là hoàn toàn đúng quy định pháp luật hiện nay, sau khi mua, khách hàng có thể làm đăng ký mới ngay cho tài sản của mình. Tuy nhiên, chất lượng hay giá cả tài sản thế nào phù hợp thì nên có các bên chuyên môn nhận định và đánh giá.
Chia sẻ với phóng viên, anh L.V.N, chuyên gia về mua bán xe ô tô cũ tại Hà Nội cho biết, các đợt thanh lý xe tại ngân hàng, nhóm của anh đều tìm hiểu và chọn các lô xe tốt để mua. Nói giá xe thanh lý rẻ, nhưng cũng không hẳn là rẻ, vì giá cả đi kèm với chất lượng, đồng thời người mua xe sẽ có một số bất lợi như:
Thứ nhất, khi khách hàng mua xe sẽ không được chạy thử, mà chỉ được đến xem xe, kiểm tra chất lượng tại bãi xe, có thể mời thợ xe đến xem cùng nhưng sẽ không phản ánh hết chất lượng. Các xe thanh lý thường lưu kho từ 3- 6 tháng, thậm chí cả năm không được vận hành, ít nhiều sẽ hỏng hóc hoặc có các lỗi không xem bằng mắt thường được.
Thứ hai, xác định mua xe thanh lý là mua đứt bán đoạn, nghĩa là người mua phải giao đủ 100% tiền, không có chính sách trả góp, vay nợ để mua xe, như vậy khách hàng không thể sử dụng đòn bẩy tài chính để giảm áp lực kinh tế.
Thứ ba, về thủ tục giấy tờ, sau khi mua thanh lý tại ngân hàng, phải mất từ 2-3 tuần mới xong các loại giấy tờ và sang tay cho người mua, như vậy là khá mất thời gian với một loại xe cũ.
"Đôi khi các xe "ngon", hàng mới, máy móc thiết bị ổn thì các nhân viên ngân hàng, hay người thân quen đã có cơ hội mua trước rồi. Còn những xe kém chất lượng hơn, cũ, có khi bị tai nạn va chạm và ngập nước, ngân hàng mới bán thanh lý ra ngoài. Lúc này, người mua không cẩn trọng sẽ dễ thiệt thòi", anh N. nói thêm.
Như vậy, mua xe ô tô thanh lý từ các ngân hàng, có thể rẻ về giá cả, đảm bảo nguồn gốc, tuy nhiên người mua xe cũng cần cẩn trọng về chất lượng xe, cũng như khả năng tài chính của mình trước khi quyết định.
Nguồn: