Ngân hàng Việt vẫn hút vốn ngoại

28/11/2024
Để có thể hiện thực hoá mục tiêu, chiến lược đề ra, rất nhiều nhà băng ngày càng tích cực hơn trong việc chủ động tìm kiếm những đối tác ngoại.

Thị trường giàu tiềm năng

Bất chấp những khó khăn do Covid-19 bủa vây, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo phân tích mới đây, ADB đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay ở mức 6,7% và 7% trong năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng bất chấp sự bùng phát của Covid-19 tại các quốc gia lân cận. Trong rất nhiều lĩnh vực, theo giới chuyên gia, hệ thống ngân hàng cũng đang cho thấy sức chống chịu mạnh mẽ trước khó khăn, thách thức chưa từng có và có những đóng góp tích cực trong quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Chuyên gia cho rằng, nguồn vốn đầu tư vào thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam từ các nhà đầu tư ngoại, nhất là những nhà đầu tư khu vực châu Á nhiều năm trở lại đây đang là xu hướng tích cực. Không chỉ thành lập ngân hàng riêng, các nhà đầu tư nước ngoài còn rót vốn vào công ty tài chính tiêu dùng, trở thành cổ đông chiến lược, hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam…

Ngân hàng Việt vẫn hút vốn ngoại - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh room ngoại, để dành dư địa hợp tác với đối tác chiến lược

Thị trường thời gian qua chứng kiến thương vụ đình đám của VPBank ký thoả thuận bán 49% vốn điều lệ tại "con gà đẻ trứng vàng" FE Credit cho Công ty tài chính Tiêu dùng SMBC - một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, thương vụ có mức định giá lên tới 2,8 tỷ USD. 49% vốn của Công ty tài chính HD Finance cũng được HDBank bán cho đối tác Nhật Bản là Credit Saigon (sau đổi thành HD Saison). 49% cũng là tỷ lệ vốn mà MB bán của Công ty tài chính Mcredit sho Shinsei (Nhật Bản). Còn vào năm 2020, BIDV đã bán 15% vốn cho KEB Hana (Hàn Quốc), thương vụ có giá trị 20.295 tỷ đồng (ước tính thời điểm đó khoảng 878 triệu USD); Ngân hàng Nhật Bản Aozora chi hơn 3.200 tỷ đồng sở hữu 15% cổ phần của OCB và trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.

Trước đó, Shinhan Việt Nam đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ khi ANZ rút bớt hoạt động tại thị trường Việt Nam. Fintech Việt Nam cũng là lĩnh vực khá hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Á: Grab mua lại cổ phần của Moca; Ant Financial (Trung Quốc) mua lại một lượng cổ phần đáng kể trong ví điện tử eMonkey được tích hợp vào nền tảng của Lazada…

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường tài chính - ngân hàng Việt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư châu Á bởi họ tìm thấy sự tương đồng trong văn hoá Á Đông. "Sự hoà hợp, thấu hiểu là vô cùng quan trọng trong mỗi một thương vụ kinh doanh, thấu hiểu được tâm lý, phương thức kinh doanh, đồng nghĩa với chấp nhận những rủi ro tương ứng đều là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư khu vực châu Á quan tâm nhiều tới thị trường Việt Nam", ông Hiếu nhìn nhận.

Một chuyên gia tài chính cũng chia sẻ, với việc Fitch Ratings nâng mức triển vọng chung của Việt Nam từ "Ổn định" lên "Tích cực", một loạt các ngân hàng cũng nhận được đánh giá tích cực từ các tổ chức đánh giá tín nhiệm trên thế giới một lần nữa đã khẳng định năng lực nội tại của các ngân hàng Việt Nam trong việc thích ứng, duy trì sự ổn định cùng nhiều giải pháp để hiện thực hoá được mục tiêu đề ra ngay cả trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Đặc biệt, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được toàn hệ thống TCTD Việt Nam triển khai quyết liệt, giúp cải thiện đáng kể năng lực tài chính của các TCTD khi vốn điều lệ tăng dần qua các năm, chất lượng quản trị điều hành tiệm cận với thông lệ quốc tế. Triển khai Basel II tiếp tục được các TCTD tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn, nhiều ngân hàng đã đáp ứng đầy đủ các trụ cột của Basel II và đang tiến tới để triển khai Basel III trong thời gian sớm nhất.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, triển khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn...

Tích cực tìm đối tác ngoại

Kinh tế Việt Nam có độ mở cửa tương đối lớn. Với hệ thống ngân hàng, giữa sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để nâng cao vị thế, đưa thương hiệu của mình vươn ra khỏi biên giới quốc gia, từ đó đa dạng kênh huy động vốn, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các chuẩn mực, thông lệ quốc tế thì không thể bị động "chờ thời".

Để có thể hiện thực hoá mục tiêu, chiến lược đề ra, rất nhiều nhà băng ngày càng tích cực hơn trong việc chủ động tìm kiếm những đối tác ngoại.

Đơn cử như ở SHB, để tìm và chọn ra những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực phù hợp, hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông, khách hàng, ngân hàng, ĐHĐCĐ của ngân hàng này vừa qua đã thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không quá 20% vốn điều lệ; SHB cũng chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược.

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB cho biết, hiện cũng đã có một số tập đoàn tài chính, ngân hàng, cũng như quỹ đầu tư lớn trên thế giới mong muốn trở thành nhà đầu tư của SHB. "SHB cũng đã có phương án phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị là 500 triệu USD với kỳ hạn 3-5 năm, niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Với cổ đông, việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế không chỉ tăng tỷ suất lợi nhuận, gia tăng giá trị cho cổ đông thông qua phương án chia cổ tức mà còn góp phần nâng cao giá trị cho từng cổ đông trong dài hạn", CEO SHB chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Covid-19 rõ ràng là thử thách cho hệ thống tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam khi khẩu vị rủi ro về tín dụng và đầu tư của các TCTD thay đổi theo hướng thận trọng, phương thức làm việc và phục vụ khách hàng cũng thay đổi, việc đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng cũng phải nhìn nhận lại… Song ở mặt khác, đại dịch không mong muốn này cũng đồng thời mang tới những cơ hội để hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể nhìn rõ được sức mạnh nội tại, tiềm lực tài chính của ngân hàng, cũng như những khuyết thiếu cần bổ sung để phát triển bền vững hơn.

Theo TS. Lực, ở thời điểm này hệ thống các ngân hàng Việt Nam phải tập trung vào bốn điểm: người lao động, quản lý tài chính, khách hàng và đối tác. Lựa chọn được đối tác ngoại phù hợp với ngân hàng là một trong những yếu tố sẽ giúp cho nhà băng gia tăng tiềm lực tài chính và nâng cao năng lực quản trị, điều hành.

Nguồn: