Như trường hợp VPBank, báo cáo tài chính cho số lượng nhân viên ở ngân hàng mẹ chỉ còn 9.480 người, giảm 1.466 người trong quý II/2019. Còn tính trong nửa đầu năm 2019, nhân lực của VPBank giảm gần 2.000 người so với cuối năm 2018. Cùng thời điểm này, NCB giảm số lượng nhân viên từ 2.000 người xuống 1.876 người; SHB giảm từ 7.546 người xuống 7.522 người.
Báo cáo tài chính của ACB cũng cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2016, tổng số cán bộ nhân viên, người lao động của ngân hàng mẹ và các công ty con của ACB là 10.832 người, giảm 508 người so với thời điểm vào cuối tháng 3/2019 (11.340 người), số lượng chủ yếu giảm ở ngân hàng mẹ…
Con người là một trong những yếu tố mà nhà băng coi trọng nhất trong quá trình phát triển của ngân hàng. Vậy việc giảm số lượng nhân sự ở một số ngân hàng nói lên điều gì? Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính nhận định: dịch chuyển nhân sự từ ngân hàng này sang ngân hàng khác là điều không mới. Cái cần lưu ý là nhân sự dịch chuyển sẽ nằm ở mảng nào bởi không phải tất cả đều có sự thay đổi. Thông thường sẽ tập trung ở mảng kinh doanh hoặc bộ phận có chức danh đã được định hình sẵn mô tả công việc, những công việc mang tính thao tác.
“Nhân sự ngân hàng mẹ sẽ theo hình kim tự tháp: càng lên phía trên đỉnh tháp, số lượng nhân sự là quản lý càng quan trọng đối với ngân hàng đó, nên nhà băng sẽ tìm mọi cách để giữ chân họ. Ngược lại, càng lui về phía bên dưới sẽ là nguồn nhân sự dễ thay thế hơn, việc tìm nhân sự lấp vào là không quá khó”, chuyên gia này cho hay.
Thêm nữa, việc tăng hay giảm nhân sự ở ngân hàng cũng phụ thuộc vào chính sách nhân sự của ngân hàng đó có đủ tạo ra sức hấp dẫn đối với nhân viên hay không? Đó là chưa kể trường hợp cạnh tranh với chính sách từ phía ngân hàng ngoại, khi các nhà băng này muốn xây dựng hệ thống kinh doanh tại Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và dịch vụ tài chính nên cần đường cong kinh nghiệm từ các ngân hàng khác.
TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Rất khó để khẳng định việc ngân hàng giảm nhân sự hoàn toàn xuất phát từ quá trình tái cơ cấu khi muốn tiết giảm chi phí, tinh lọc bộ máy hay chuyển hướng hoạt động kinh doanh, dù đó cũng được xem là một nguyên do. Bởi thực tế, bên cạnh nhiều nhà băng giảm nhân sự thì cũng có những ngân hàng vẫn tiếp tục chiêu mộ thêm người mới.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, xu hướng số hóa hoạt động cũng khiến nhu cầu nhân lực của các nhà băng có sự thay đổi. Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2019 được Vụ Dự báo - Thống kê thuộc NHNN công bố cũng cho thấy, có 22% TCTD cho biết thời điểm tháng 6/2019 đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại. Kết quả điều tra chỉ ra, tình trạng “thiếu” lao động trong ngành Ngân hàng đang được khắc phục và chuyển sang trạng thái “đủ” lao động để đáp ứng nhu cầu của công việc hiện tại.
Nhận định về xu hướng nhân sự ngân hàng hiện nay và trong thời gian tới, các chuyên gia đều chung quan điểm rằng, nhân sự ngân hàng đang hướng tới chất lượng chứ không phải số lượng, hướng tới sự rõ ràng trong chỉ tiêu kinh doanh. Chất lượng này thông qua cơ chế kiểm soát rất chặt chẽ, đòi hỏi năng lực làm việc của nhân viên phải nâng lên qua việc thao tác thực tế, công tác đào tạo, các khoá học nâng tầm lãnh đạo, nâng tầm quản lý, hướng tới sự chỉn chu trong hoạt động tài chính một cách rõ ràng, minh bạch hơn.
Như tại Kienlongbank, ngân hàng này từ đầu năm 2019 tới nay đã tiến hành hai đợt khoá đào tạo nhân sự tiềm năng cho cán bộ, tập trung đào tạo về những kiến thức nghiệp vụ nâng cao, kỹ năng và xử lý tình huống cần thiết trong quá trình công tác...
Ths. Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank có cùng quan điểm khi cho rằng, nguồn nhân lực sẽ có sự cắt giảm và sàng lọc. Số lượng nhân viên của các tổ chức tài chính, ngân hàng sẽ giảm đáng kể nhưng nhu cầu về những nhân sự chất lượng cao sẽ gia tăng và có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng cũng như các công ty Fintech.
Vì vậy, theo ông Tuấn, ngay từ bây giờ các ngân hàng cần phải quan tâm xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; có chuyên môn nghiệp vụ nhưng phải tăng khả năng ứng dụng và làm chủ công nghệ.
Nhắc tới công tác đào tạo, việc đào tạo nhân sự cho ngành tài chính - ngân hàng từ các trường đại học hiện nay cũng đòi hỏi cần có sự thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của thị trường, với bối cảnh cạnh tranh trong ngân hàng hiện nay. Theo tìm hiểu của phóng viên, kỳ tuyển sinh năm 2018, Đại học Kinh tế quốc dân đã mở ngành học mới Cử nhân Công nghệ tài chính (Fintech) đầu tiên tại Việt Nam. Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cũng đang liên kết với đối tác nước ngoài xây dựng mảng đào tạo về lĩnh vực này, trong đó dự kiến thành lập cả trung tâm nghiên cứu về Fintech…
Đây đều là những sự đón đầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu bức thiết về đội ngũ nhân sự trẻ có kiến thức chuyên sâu lĩnh vực tài chính và công nghệ tài chính còn rất thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Không những vậy, theo chia sẻ của một giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, trong chương trình học của sinh viên tại trường này hiện nay có lồng ghép những môn học mới liên quan đến chứng khoán phái sinh, hay trái phiếu… “Yêu cầu của thực tiễn buộc phải chia nhỏ ngành đào tạo ra, không thể chỉ mang tính phổ quát như trước đây được”, vị này chia sẻ.
Nguồn: