Nhiều ngân hàng tăng vốn thành công

15/12/2024
Một loạt nhà băng vừa được Ngân hàng Nhà nước thông báo sửa đổi nội dung về vốn điều lệ mới.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB). Cụ thể, vốn điều lệ của VIB thay vì mức 7.834 tỷ đồng thì nay lên 9.245 tỷ đồng. Để có số vốn tăng thêm, ngân hàng này đã phát hành hơn 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 18%.

Tương tự, vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng. Trước đó, cuối quý II/2019, vốn điều lệ của nhà băng này là 6.599 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của OCB được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu.

Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh: PV.

Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh: PV.

Mới đây, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng thông báo đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ sau khi chào bán 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

BIDV thì cho biết sẽ hoàn thành tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank và dự kiến nhận tiền về trong tháng 10 năm nay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nam Á vừa rồi cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng vốn lên mức 5.000 tỷ đồng trong năm nay, nhà băng này cần phải huy động thêm 1.110 tỷ đồng nữa mới kịp về đích.

Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông cho rằng, việc tăng vốn là nhằm để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn - CAR theo tiêu chuẩn Basel II. Ngoài ra, động thái này còn giúp ngân hàng có điều kiện đầu tư hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngân hàng, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường...

Trước đó, vào năm 2017, OCB đã hoàn thành dự án Basel II sau 2 năm triển khai. Đây là một trong ba ngân hàng Việt Nam (Vietcombank, VIB, OCB) đầu tiên hoàn tất việc triển khai dự án Basel II với các nền tảng cho một ngân hàng hiện đại, an toàn.

Những nhà băng mới được công nhận này sẽ nhận một cơ chế "thoáng" hơn về hạn mức tín dụng. Tăng trưởng tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều đơn vị. Tại họp báo đầu năm 2019, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định có thể cho phép mức tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng đáp ứng Basel II cao hơn các tổ chức tín dụng khác.

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Ban đầu thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn hai tính đến năm 2020. Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về năm 2020.

Như vậy, từ đầu năm tới, Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành, theo đó việc tăng vốn càng trở nên cấp thiết với các ngân hàng để đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo chuẩn Basel II. 

Lệ Chi

Nguồn: