“Những vùng nước trong” trên thị trường tiền tệ Việt Nam

20/12/2024
Nước trong thường ít cá, càng thiếu cá lớn nên việc “thả câu” của ngân hàng năm 2019 dần khác đi so với nhiều năm trước.

Khép lại năm cũ Kỷ Hợi 2019, chuyển giao năm mới Canh Tý 2020, trên biểu niêm yết của một số ngân hàng thương mại, giá mua vào USD doãng rất sâu so với giá bán ra.

Trong hàng chục năm qua, ở điều kiện và bối cảnh bình thường, giá mua vào - bán ra USD trên biểu niêm yết của họ phổ biến chỉ chênh 70-80 VND. Nhưng nay, như trên, chênh lệch đã lên tới 140-150 VND, thậm chí có nơi chênh tới 175 VND ở giá mua vào tiền mặt.

Mức chênh rất lớn đó ở trong điều kiện và bối cảnh bình thường, không có biến động nào quá lớn để xem là cá biệt.

Tỷ giá USD/VND trong năm 2019 cũng là một điểm khác biệt so với nhiều năm qua. Ngoại trừ tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng đáng kể (1,48%), thì tỷ giá liên ngân hàng và trên biểu niêm yết của các nhà băng gần như trở về vạch xuất phát đầu năm.

Trong giao dịch giữa các thành viên trên thị trường liên ngân hàng, ngoài một vài đợt sóng ngắn trong năm 2019, tỷ giá giao ngay ở đây chỉ xoay quanh 23.200, rồi 23.175 VND, thấp hơn nhiều so với vùng trên 23.300 VND kỳ biến động mạnh nửa đầu tháng 9/2018.

Tất nhiên các ngân hàng còn có các kênh giao dịch kỳ hạn, sản phẩm phái sinh, hoán đổi…, nhưng tỷ giá liên ngân hàng quá bình ổn, "nước quá trong" năm qua khiến cơ hội "thả câu" cũng hạn chế đi.

Vậy nên, nhìn lại chênh lệch đề cập ở trên, việc doãng rộng gần gấp đôi chênh lệch giá bán ra so với mua vào USD trên thị trường dân cư với doanh nghiệp so với nhiều năm trước trở nên đáng chú ý.

Trước đây, mỗi đợt có biến động theo hướng tỷ giá USD/VND lao dốc, các ngân hàng thường rút sâu giá mua vào để ngừa rủi ro. Nhưng nay, giá mua vào rút sâu, tạo chênh lệch lớn trở nên gần như mặc định trong thời gian dài và trở thành bình thường, nó trở thành một "lãi biên" tạo thêm nguồn thu lặng lẽ.

Không chỉ tỷ giá, năm qua lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng phổ biến nằm ở mặt bằng thấp.

Như BizLIVE đề cập ở bài viết vừa qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tạo hiện tượng chưa từng có trong lịch sử: ngay những ngày cao điểm nhất của năm phục vụ nhu cầu thanh toán, chi trả dịp Tết Nguyên đán mà nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước còn phải hút ngược bớt về kho.

Dù vậy, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng khá mạnh khi đón Tết, từ vùng dưới 1%/năm các kỳ hạn ngắn đã nhảy lên trên 3%/năm. Cùng với đợt biến động do thay đổi cơ cấu tiền gửi Kho bạc Nhà nước hồi tháng 11/2019, thì đây cũng chỉ là những đợt biến động tạo sóng khá ít ỏi trong năm qua.

Về diễn biến chung, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trải qua một năm ổn định, cùng với mặt bằng thấp tạo nên "vùng nước trong" giao dịch giữa các thành viên. Và dĩ nhiên cũng hạn chế đi tình trạng "chim mồi", bật tường vốn, tạo nước đục thả câu sinh lợi từng có giai đoạn trước đây.

Cũng như ở tỷ giá, "nước quá trong thì ít cá", ngân hàng cũng linh hoạt dịch chuyển vốn đến những phân khúc cho khả năng sinh lời, hiệu quả cao hơn.

Từ trong năm 2018, nổi bật 2019, dòng chảy lớn trông thấy có ở hoạt động ngân hàng đầu tư vốn vào trái phiếu các tổ chức tín dụng khác. Một mặt, trái phiếu này không bị tính vào chỉ tiêu tín dụng, mặt khác tạo lãi biên cao hơn rất nhiều so với đầu tư trên thị trường liên ngân hàng với mặt bằng lãi suất thấp và "nước trong" như trên.

Mùa báo cáo tài chính năm 2019 của các ngân hàng thương mại đang định hình. Trong đó, sự linh hoạt của dòng chảy trên thể hiện rõ, khi có những thành viên gia tăng gần gấp đôi lượng vốn đầu tư vào trái phiếu các tổ chức tín dụng khác so với năm 2018…

Nhưng, sự dịch chuyển lớn nhất trong hệ thống năm qua vẫn là sang phân khúc tín dụng bán lẻ - "vùng nước" cho lãi biên cao hơn với diện tích bề mặt lẫn chiều sâu lớn hơn nhiều, bù lại cho những vùng đã trở nên ít cá.

Cập nhật đến cuối năm 2019, ngay cả những đầu mối bán buôn chủ yếu trước đây là Vietcombank và VietinBank, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đều đã vượt trên 50% cơ cấu.

Cạnh tranh ở hướng dịch chuyển này theo đó trở nên quyết liệt, tạo sức ép đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Vì những thành viên lớn này có lợi thế chi phí vốn thấp, lại tạo dịch chuyển nhanh và thậm chí đã bắt đầu thể hiện mức độ "chịu chơi" khi xuất hiện ngày một nhiều hơn những chương trình cho vay lãi suất 0% giai đoạn đầu…

Với dịch chuyển, cạnh tranh quyết liệt và tạo sức ép đó, người vay có triển vọng được hưởng lợi, chi phí lãi vay có thể dịu bớt đi. Hướng vận động này đang được chuyển tiếp sang năm mới.

Nguồn: