Tại Hội thảo trực tuyến "Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng nay (24/11), TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội nhận định, nợ xấu là “bóng ma” luôn đồng hành cùng các tổ chức tín dụng. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì sẽ dẫn đến hiệu quả khó lường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thời gian qua.
Theo ông Hùng, ngành ngân hàng trải qua nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn chịu hậu quả lớn bởi nợ xấu là năm 2009. Từ đó đến nay, ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp nỗ lực trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc ra đời Nghị quyết 42 năm 2017 đã có hỗ trợ rất lớn cho các tổ chức tín dụng.
Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/8/2021 là 424,1 nghìn tỷ, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ 15/08/2017 - 31/08/2021.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây, dịch Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kéo theo kinh tế xã hội đi xuống. "Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn, chắc chắn khó khăn của doanh nghiệp sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng. Nợ xấu sẽ tăng lên trong thời gian tới", ông Hùng nhận định.
Thời gian qua, NHNN đã ban hành 3 Thông tư 01, 03, 14 quy định về cơ cấu nợ, giãn nợ. "Trên 600 nghìn tỷ đã được cơ cấu nợ, nhưng đây mới chỉ là số liệu bước đầu. Từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022, con số này sẽ còn lên cao nữa, bởi dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Và bản chất nợ được cơ cấu là nợ xấu.", vị Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết.
Ông Hùng lo ngại, việc xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu 1058 đã gần thành công và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức cho phép thì lại xảy ra dịch Covid-19 khiến thành quả mà hệ thống phấn đấu thời gian qua nguy cơ bị xoá. "Đây là một áp lực rất lớn đối với ngành ngân hàng, đang phải thực sự gồng mình để khắc phục, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế, và vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu".
Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong chưa đến một năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD còn lớn hơn. Do đó, cần xem xét việc kéo dài Nghị quyết 42 hoặc Luật hóa NQ 42. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng lựa chọn, thông qua. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các Cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Tại Hội thảo, ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết, rõ ràng, trong giai đoạn triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, sự ra đời của Nghị quyết 42 đóng góp nhiều kết quả trong xử lý nợ xấu. Nợ xấu giảm từ 1,99% cuối năm 2017 xuống 1,91% năm 2018, 1,63% năm 2019. Tuy nhiên đến năm 2020 con số này tăng trở lại lên 1,69%, và cuối tháng 9/2021 là 1,9%, gần như trở lại ban đầu của năm 2017 – trước khi có NQ 42. "Từ đó có thể thấy tác động ghê gớm của đại dịch tới các tổ chức tín dụng như thế nào", ông Kiên nói.
Bên cạnh đó, thách thức với các TCTD thời gian qua là quá trình xử lý nợ xấu, việc bán tài sản gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu mua thấp. Hệ lụy tiềm ẩn tiếp tục gia tăng nếu dịch bệnh không kiểm soát được tốt, hay xuất hiện các đợt biến chủng.
Nguồn: