Nối dài “nhã ý”, Ngân hàng Nhà nước khớp nhịp điều hành

15/01/2025
Đến thời điểm này, trong tháng đầu tiên đón dòng tiền lớn, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nối dài “nhã ý” tạo nguồn tiền dồi dào, khớp với đợt điều chỉnh đầu ra.

Như BizLIVE thông tin vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Cùng thời điểm, thị trường đón nguồn tiền lớn đáo hạn.

Theo dữ liệu tập hợp từ một số thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng, đây là tháng đầu tiên hệ thống đón dòng tiền mới, quy mô ước tính tới khoảng 82 nghìn tỷ đồng, từ tiền cung ứng mua ngoại tệ đáo hạn. Thông tin này không mới, nhưng định hướng của Ngân hàng Nhà nước đối với dòng chảy này được chú ý.

Cho đến đầu tuần này, tức là đã gần một tháng trôi qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn không can thiệp hoặc điều tiết trực tiếp nguồn tiền nói trên. Thậm chí nhà điều hành vẫn giữ nguyên những tín hiệu trước đó để cùng tạo “nhã ý” nới lỏng, tạo điều kiện cho thị trường và gián tiếp hỗ trợ nền kinh tế.

Nối dài “nhã ý”, Ngân hàng Nhà nước khớp nhịp điều hành - Ảnh 1.

Cụ thể, nguồn tiền cung ứng khoảng 82 nghìn tỷ đồng bắt đầu chảy ra thị trường từ đầu tháng 7 này, sau khi các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng thực hiện đầu năm nay đã lần lượt đáo hạn, nhưng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về.

Như vậy, kể từ tháng 4/2020 đến nay, thời điểm đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và kéo dài, Ngân hàng Nhà nước đã không thực hiện phát hành tín phiếu để trung hòa bớt nguồn tiền. Không những thế, từ đó đến nay, nhà điều hành vẫn duy trì tín hiệu sẵn sàng bơm tiền hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống qua lượng chào tạo cung trên thị trường mở hàng ngày.

Trao đổi với BizLIVE, một chuyên gia ngân hàng cùng nhìn về dữ liệu: ước tính dòng tiền từ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ sẽ có khoảng 159 nghìn tỷ đồng chảy ra từ tháng 7 đến tháng 11 năm nay. Tuy nhiên ông cho rằng không nhất thiết phải trung hòa (phát hành tín phiếu hút bớt tiền về).

“Mưa rộng đều, mưa không quá lớn mà kéo dài. Mặt khác, dòng tiền này bắt đầu chảy ra khớp với việc nới “room” tín dụng. Hướng điều hành này của Ngân hàng Nhà nước vừa khớp nhịp, vừa đúng chủ trương tạo điều kiện nguồn vốn thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 kéo dài”, vị chuyên gia trên nhìn nhận.

Như trên, Ngân hàng Nhà nước áp phương thức mua ngoại tệ kỳ hạn, kỳ hạn dài tới 6 tháng. Nguồn VND cung ứng theo đó rải ra để ngấm vào thị trường thay vì dồn một lúc, một thời điểm như phương thức mua giao ngay trước đây mà cần phải hút bớt và trung hòa ngay.

Với “nhã ý” trên của Ngân hàng Nhà nước, trạng thái vốn và thanh khoản của hệ thống thời gian qua và hiện nay vẫn dồi dào, thậm chí có biểu hiện dư thừa khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp.

Trước đó, trung tuần tháng 6, thị trường toàn cầu có phần xáo trộn bởi thông điệp có phần “diều hâu” từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 xẩy ra, Fed hướng đến tính toán lộ trình nâng lãi suất với khả năng gần hơn, cũng như khả năng thu hẹp các gói hỗ trợ…

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng thời điểm đó cũng có biến động. Song, với nguồn tiền mới nói trên bắt đầu chảy ra từ tháng 7, lãi suất nhanh chóng ổn định; lãi suất VND qua đêm duy trì chỉ quanh 1%/năm cho đến nay.

Nối dài “nhã ý”, Ngân hàng Nhà nước khớp nhịp điều hành - Ảnh 2.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn - HSBC Việt Nam

 Những diễn biến trên cũng được ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn - HSBC Việt Nam đề cập trong một bài viết mới đây.

Cụ thể, về xu hướng lãi suất, ông Khoa nhận định: Tình trạng vật giá leo thang đang khiến thị trường tài chính bắt đầu tỏ ra quan ngại khi ngân hàng trung ương các nước bắt đầu phải tính đến chuyện siết van thanh khoản và nâng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, mối lo ngại này dường như tập trung nhiều hơn ở các quốc gia phương Tây, trong khi đó ở các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, chưa cho thấy áp lực của lạm phát khi áp lực chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo.

“Nhưng nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài thay vì mang tính thời điểm, thì khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra. Ở mặt khác, cơ quan điều hành cũng cần cân nhắc để tránh việc nâng lãi suất quá sớm và/hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh”, ông Ngô Đăng Khoa đề cập trong bài viết trên.

Trong khi đó, về tỷ giá, chuyên gia của HSBC Việt Nam cho biết Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn, trước khi quyết định hạ giá mua 150 đồng xuống 22.975 vào tuần đầu tháng 6, cho thấy dư địa để VND có thể tăng giá thêm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, vẫn không bỏ ngỏ khả năng VND chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo 23.100 vào cuối năm nay. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến như cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, mối lo về giá cả hàng hóa cao hơn cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại.

“Nhìn chung, có một điều khá chắc chắn rằng tỷ giá USD/VND sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như đã từng trải qua trong 6 tháng cùng kỳ 2020, thay vào đó sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm, đến từ biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các động thái của Fed trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro nội tại mà Covid-19 tạo ra”, ông Ngô Đăng Khoa dự báo.

Nguồn: