Vụ việc Lê Thị Thương (SN 1988, trú tại 31/18 đường AMa Quang, phường Hoa Lư, TP Pleiku) đến công an trình báo bị "vỡ nợ" đến gần 200 tỷ đồng nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Thương là nhân viên hợp đồng thời vụ tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại Gia Lai.
Lê Thị Thương - Ảnh: Báo Người lao động
Tài sản bên trong nhà chỉ có bộ bàn ghế gỗ là đáng giá nhất
Liên quan đến sự việc trên, hàng xóm của Thương tỏ ra rất bất ngờ khi Thương lại có thể vay mượn và "vỡ nợ" số tiền lớn như thế. Theo thông tin trên báo Thanh Niên, hàng xóm của Thương cho biết gia đình Thương nhiều năm nay có cuộc sống bình thường. Ngoài làm việc ở ngân hàng, thời gian rảnh, Thương có mở một quán bún đậu mắm tôm.
Còn theo thông tin trên báo Công an Đà Nẵng, chị A. - một hàng xóm của gia đình Thương cho biết quán bún đậu của Thương đã đóng cửa lâu nay. Ngoài ra, vợ chồng Thương hàng ngày vẫn đi làm bằng xe máy, căn nhà Thương nằm cuối hẻm cụt này cũng không đáng giá là bao, tài sản bên trong nhà chỉ có bộ bàn ghế gỗ là đáng giá nhất.
Với những gì thấy được trước mắt, hàng xóm cho rằng gần 200 tỷ đồng là số tiền cực kỳ lớn so với những tài sản mà vợ chồng Thương đang sở hữu. Vì thế, thật khó hiểu khi có nhiều chủ nợ tin tưởng cho Thương vay những món tiền lớn đến vậy.
Căn nhà của Lê Thị Thương ở đường Ama Quang, TP.Pleiku cửa đóng then cài sau khi gia chủ tuyên bố vỡ nợ - Ảnh: Báo Thanh Niên
Chưa có chủ nợ nào báo công an
Theo báo Công an Đà Nẵng, ngoài việc làm nhân viên hợp đồng tại ngân hàng BIDV thì Thương còn làm thêm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và mua bán bất động sản. Tuy nhiên, để “kín tiếng” với cơ quan, Thương không làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng BIDV mà làm ở một ngân hàng khác trên địa bàn TP Pleiku.
Báo Thanh Niên tiếp tục thông tin, một số người chủ nợ khẳng định Thương dùng tiền vay để đáo hạn ngân hàng. Ngoài ra, Thương còn dùng số tiền vay để đầu tư bất động sản. Nhưng do thị trường bất động sản chững lại, dẫn đến khó bán, giá đất xuống, khiến các khoản vay khó thanh toán cho chủ nợ.
Tuy nhiên, một điều lạ là trong mấy ngày qua, vẫn chưa có chủ nợ nào trình báo với cơ quan chức năng. Hiện nguyên nhân chính thức của vụ vỡ nợ vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Căn nhà của gia đình Thương nhìn từ ngoài cổng - Ảnh: Báo Người lao động
Trước đó, ngày 29/6, Lê Thị Thương đã đến cơ quan Công an trình báo việc mình tuyên bố vỡ nợ và đề nghị cơ quan Công an can thiệp bảo vệ tài sản, tính mạng. Đồng thời, Thương đã đi cùng 1 luật sư để tư vấn cho Thương, tuy nhiên trong quá trình làm việc và khai báo ban đầu Thương luôn lấy cớ đau đầu và chỉ trình báo nhỏ giọt. Thế nên, mọi thông tin và nguyên nhân việc Thương vỡ nợ vẫn chưa được làm rõ.
Ngoài ra, Thương đã cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng việc Thương đã vay của 8 cá nhân với số tiền 178 tỷ đồng. Trong đó, người cho vay ít nhất là 1,8 tỷ đồng, người nhiều nhất lên đến khoảng 130 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Chương- Giám đốc Chi nhánh BIDV Gia Lai, xác nhận: Lê Thị Thương là nhân viên thời vụ khoán gọn, còn chồng của Thương là nhân viên kỹ thuật tại chi nhánh. Ông Chương khẳng định: "Việc vay mượn của Thương là công việc làm ăn cá nhân bên ngoài. Đến nay, chi nhánh chưa phát hiện có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh".
Nguồn: