Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, năm 2021, ngân hàng đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của OCB tăng 25%, đạt 5.519 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Ngân hàng cũng đã tăng vốn thành công lên 13.699 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 1,42% năm 2020 xuống còn 0,97% vào cuối năm 2021. CIR (hệ số chi phí theo thu nhập) được cải thiện từ mức 29,1% về còn 26,9%.
Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên tài sản (ROAA) và trên vốn chủ sở hữu (ROAE) của OCB thuộc top đầu ngành, lần lượt đạt 2,59% và 22%.
Ngày 28/1/2021, OCB đã niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Sau gần 1 năm niêm yết, giá trị vốn hóa của OCB đạt 37.398 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021, tăng trưởng 86% so với thời điểm bắt đầu lên sàn.
Năm 2022, OCB dự kiến tổng tài sản tăng 25% lên 230.112 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 23% lên 155.003 tỷ, dư nợ cho vay tăng 25% lên 129.493 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 29%, đạt 7.110 tỷ; kiểm soát nợ xấu dưới mức 1%.
Năm 2022 là năm thứ 2 của giai đoạn phát triển 5 năm 2021-2025 với định hướng đưa OCB trở thành ngân hàng trong Top NHTM CP tư nhân tốt nhất Việt Nam. Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tăng trưởng quy mô khách hàng, tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc ưu tiên của OCB, tiếp tục lộ trình chuyển đổi số toàn diện OCB, nâng cấp ứng dụng OCB OMNI, số hóa hành trình khách hàng, kết nối hệ sinh thái và số hóa quy trình nội bộ,…Đồng thời, ngân hàng sẽ triển khai nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9.
Một nội dung quan trọng khác sẽ được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp là phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng.
Cụ thể, OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%.
Ngoài ra, ngân hàng phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ thêm hơn 58,8 tỷ đồng.
Với số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ), bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định,…
OCB cho biết, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.
Trong đó, ngân hàng muốn mở rộng mạng lưới giao dịch của OCB, tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng. OCB cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn hiệu quả hơn nữa,…
https://cafef.vn/ocb-dat-muc-tieu-loi-nhuan-hon-7100-ty-du-kien-chia-co-phieu-thuong-ty-le-30-trong-nam-2022-20220402091900048.chnNguồn: