Việc tạm giam ông Trần Bắc Hà tại trại giam quân đội là bình thường
Bị can Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 105, ông Hà được chuyển từ một cơ sở giam giữ của Cục điều tra Bộ Quốc phòng sang nhưng đã tử vong từ trước khi vào viện.
Việc ông Trần Bắc Hà tử vong đặt ra câu hỏi, tại sao trường hợp cựu Chủ tịch BIDV do Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt tạm giam nhưng thời gian gần đây bị can này lại không tạm giam ở cơ sở giam giữ của công an mà chuyển sang cơ sở giam giữ của Cục điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng ?
Trao đổi với PV, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho hay, việc bị can bị tạm giam ở cơ sở giam giữ của công an hay quân đội đều là cơ sở giam giữ của Nhà nước.
Ông nêu rõ, việc tạm giam đối với bị can ở cơ sở giam giữ nào là do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định và đối với trường hợp tạm giam bị can Trần Bắc Hà ở cơ sở giam giữ của quân đội không có vấn đề gì.
Ông Trần Bắc Hà.
"Vấn đề quan trọng là làm sao để việc giam giữ bị can đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo điều tra khách quan và đảm bảo nhiều vấn đề khác”, Trung tướng Trần Văn Độ nói.
Nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cũng dẫn chứng thêm, nhiều vụ án, bị can bị bắt ở một tỉnh hoặc thành phố dù nơi đó có cơ sở giam giữ nhưng bị can vẫn được đưa đến cơ sở giam giữ của tỉnh, thành khác để tạm giam.
Cũng trao đổi với PV, một vị nguyên lãnh đạo ngành kiểm sát cũng cho rằng, việc ông Trần Bắc Hà bị cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam nhưng sau đó chuyển sang giam giữ tại cơ sở giam giữ của Bộ Quốc phòng là bình thường, đúng quy định hiện hành.
Vị này nói, việc giam giữ bị can ở cơ sở của công an hay quân đội sẽ do cơ quan tố tụng quyết định để đảm bảo yêu cầu, nghiệp vụ, công tác điều tra. Đối với trường hợp ông Trần Bắc Hà tử vong, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khám nghiệm để xác định, làm rõ nguyên nhân.
Ông lấy ví dụ, đã có nhiều trường hợp, bị can do Bộ Công an bắt giữ nhưng giao về giam giữ tại địa phương hay như vụ Năm Cam, các bị can bị bắt ở TP Hồ Chí Minh nhưng đưa về giam giữ trong cơ sở giam giữ của Tiền Giang.
Trước đó, theo thông tin từ báo Thanh Niên , rạng sáng 18/7, ông Hà được cán bộ trại giam phát hiện có biểu hiện xấu về sức khỏe nên đưa đến Bệnh viện Quân y 105 (TX.Sơn Tây, TP.Hà Nội) cấp cứu.
Tuy nhiên, bị can đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Nguyên nhân tử vong được xác định là liên quan đến bệnh gan. Trước đó, ông Hà từng đi Singapore mổ cắt khối u gan.
Bị can khi bị giam giữ có những quyền gì?
Theo điều 9 Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015, người bị tạm giữ, tạm giam có các quyền sau:
Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm.
Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân..
Bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu.
Gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự.
Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý.
Gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự.
Yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam.
Tại Điều 7 Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định về kinh phí khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế và phòng chống dịch bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam như sau:
Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, tạm giam được cấp tương đương 2 kg gạo tẻ loại trung bình/người/tháng.
Kinh phí khám, chữa bệnh cho người bị tạm giam căn cứ theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh tật và được thanh toán theo định mức chế độ bảo hiểm y tế.
Trường hợp người bị tạm giam mắc bệnh nặng, kinh phí điều trị vượt quá định mức chi trả theo quy định của bảo hiểm y tế sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ tự nguyện chi trả kinh phí điều trị bệnh.
Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế trong việc khám, chữa bệnh cho người bị tạm giam tại bệnh xá, bệnh viện trong cơ sở giam giữ và các cơ sở y tế của Nhà nước.
Cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giam giữ trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam;
Điều 26 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng quy định: Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và VKS có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết.
Đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.
Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.
Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng.
Nguồn: