Tại Hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hiệp hội cho rằng dịch Covid-19 là nguy cơ, nhưng trong nguy thì có cơ, và cơ hội này mang tính toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia làm tốt nhất trong chuộc chiến chống Covid-19 và điều này tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản – được xem là đội quân hậu cần. Và Việt Nam có thể trở thành đội quân hậu cần cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thị trường thế giới.
Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp ở lĩnh vực này rất cần đến nguồn vốn, mà việc đi vay ngân hàng lại không mấy suôn sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods cho biết sản lượng kinh doanh trong quý 1 của công ty dù trong dịch bệnh vẫn tăng trưởng 40% so với cùng kỳ nhờ những biện pháp hợp lý chống dịch. Nhưng khi ông đề xuất được giãn nợ sang tháng 6, các ngân hàng đều từ chối, bởi "nếu anh giãn nợ, gia hạn nợ thì vô hình trung anh trở thành nợ xấu rồi".
Ông Hùng chia sẻ, khi nghe thông tin về gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, doanh nghiệp rất mừng. Nhưng khi đặt vấn đề với ngân hàng thì họ nói chưa có thông tư hướng dẫn, phải cẩn thận, phải thẩm định. Hiện nhiều ngân hàng đang có tâm lý lo sợ không dám cho vay.
"Một doanh nghiệp như Nafoods đang gặp tình trạng ấy thì làm sao doanh nghiệp khác có thể vượt qua được", ông Hùng cảm thán. Chủ tịch Nafood cũng tiết lộ, thực tế, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nên phải vay tín dụng đen, vay nóng với lãi suất cao, có trường hợp vay 1 triệu mà lãi từ 3.000-5.000 đồng/ngày.
Giải thích tình trạng này, ông Trương Gia Bình cho rằng các gói hỗ trợ rất lớn nhưng ngân hàng lo lắng đưa vào nợ xấu. Ở giai đoạn này, tiền mặt là vua và tất nhiên doanh nghiệp nào cũng cần tiền. Nhưng ở góc độ tổ chức tài chính như ngân hàng, dịch bệnh như hiện nay tác động tới nhiều doanh nghiệp, nên việc ngân hàng cấp vốn cho đối tượng nào cũng đều "nguy hiểm". Những doanh nghiệp được chọn cấp vốn không chỉ gặp khó khăn mà còn phải có điều kiện thuận lợi để phát triển.
"Tôi tin ngân hàng đang bí, không biết đưa nguồn vốn về đâu vì lo ngại vấn đề an toàn. Nông nghiệp là lĩnh vực có thể hấp thụ nguồn vốn đó", ông Bình nói. "Vì vậy hiệp hội sẽ làm việc với một số ngân hàng thân thiện, giải thích cho họ rõ để hỗ trợ vốn. Tôi sẽ lập ban và làm việc với các ngân hàng thân thiết để làm việc này. Vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không đưa vào nhà nghèo".
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp tronh lĩnh vực nông sản cũng cho biết hoạt động sản xuất vẫn tăng trưởng. ông Phan Minh Thông - TGĐ CTCP Tập đoàn Phúc Sinh thì nói rằng nhờ việc đa dạng hoá sản phẩm nên trong đợt dịch vừa qua, công ty vẫn xuất khẩu nhiều loại thực phẩm như: Hồ tiêu, quế,… nên không bị dừng mặt hàng nào.
Còn theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hùng Nhơn thì thông tin doanh nghiệp vẫn dự kiến tăng trưởng 3-5% và mở rộng hoạt động sản xuất.
Nguồn: