Rủi ro khi ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

27/11/2024
Văn bản mới nhất của NHNN chủ yếu nhằm cảnh báo, yêu cầu các ngân hàng làm đúng khi cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.Hình thức cho vay này có thể gây rủi ro về thanh khoản. Nhiều nhà băng có thể tăng ảo dư nợ khi cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.

NHNN vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, cảnh báo việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn, đồng thời yêu cầu kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng và quá trình giải ngân.

Thực tế trước đó trên thị trường, phần lớn ngân hàng đều cung cấp dịch vụ này, trong đó có các "ông lớn" như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank... Mức vay cầm cố sổ tiết kiệm, giấy tờ có giá tối đa ở một số nơi bằng 100% giá trị tài sản đảm bảo, phương thức linh hoạt, thời hạn tối đa bằng thời gian thanh toán còn lại của sổ tiết kiệm cầm cố. Khối ngân hàng thương mại cổ phần như LienvietpostBank, Techcombank, ACB… cũng tương tự khi hạn mức vay có thể tương đương 85-90% giá trị của khoản tiết kiệm với kỳ hạn 3-12 tháng, nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của sổ/tài khoản tiết kiệm.

Hoạt động cho vay nêu trên nhằm đáp ứng các khách hàng phát sinh nhu cầu cấp thiết, trong khi sổ tiết kiệm chưa đáo hạn. Bên cạnh các mục đích tiêu dùng cá nhân, thị trường thời gian qua cũng xuất hiện trường hợp khách hàng vay tiền để tái đầu tư. Cụ thể từ đầu năm, các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động qua nhiều hình thức, như chứng chỉ tiền gửi có thể cho lãi suất 8,7-10%. Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ thậm chí còn có thể mang lại lãi suất 9-14%. Những mức lợi suất cao hơn này là một trong những lý do khiến khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm để chuyển đổi hình thức đầu tư.

Rủi ro khi ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm - Ảnh 1.

Nhiều kênh đầu tư với lợi suất cao hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Liên Hương.

Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra - Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết công văn của NHNN nhằm cảnh báo và nhắc nhở các ngân hàng “làm đúng, chưa phải là động thái siết”.

Vị này làm rõ rằng khi vay tiền bằng cầm cố sổ tiết kiệm, các ngân hàng cần xem xét mục đích sử dụng vốn của khách hàng. “Ví dụ khách hàng gửi tiết kiệm 12 tháng nhưng 5 tháng nữa mới đến hạn, khách hàng có thể vay cầm cố nhưng cần nêu rõ mục đích là mua nhà, mua xe, tiêu dùng... tránh sử dụng cho các hành vi xấu”, ông Du nói. Bên cạnh đó, ông Du cũng nêu thực tế có một số ngân hàng “lách” để cho vay, tăng dư nợ. NHNN cũng muốn kiểm soát lại để hạn chế rủi ro và yêu cầu các nhà băng thực hiện đúng quy định.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, động thái của NHNN là cần thiết và hợp lý để kiểm soát dòng vốn tín dụng. Ông Hiếu cũng đề cập đến yếu tố thanh khoản hệ thống, xét trên hoạt động nguồn vốn của ngân hàng, việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm tiềm ẩn rủi ro.

“Giả sử khách hàng A gửi tiết kiệm 100 tỷ đồng vào ngân hàng, khi đó ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn này để cho vay và phục vụ các hoạt động khác. Trong trường hợp ngân hàng cho vay khách hàng B 80 tỷ đồng và sau đó khách hàng A đến để vay lại trên chính sổ tiết kiệm 80 tỷ, ngân hàng sẽ ghi trên tài sản có là 160 tỷ dồng, trong khi nguồn vổn chỉ 100 tỷ đồng”, ông Hiếu lấy ví dụ. Điều này tạo rủi ro về thanh khoản, cũng là yếu tố có thể đẩy lãi suất lên cao, do tăng nhu cầu huy động vốn.

Trả lời báo chí, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cũng đồng quan điểm khi cho rằng việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cầm cố sổ tiết kiệm sẽ làm phát sinh 2 vấn đề. Thứ nhất, nếu khoản tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ rủi ro cho ngân hàng, vì nếu cơ quan pháp luật tịch thu thì ngân hàng sẽ không thể tất toán được. Thứ hai là hiện nay nhiều ngân hàng lợi dụng sản phẩm để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu, để làm cơ sở cho chỉ tiêu năm sau.

Nguồn: