Sạch nợ xấu, ngân hàng chờ bứt phá

25/11/2024
Các ngân hàng thương mại liên tục công bố sạch nợ xấu tại VAMC là tín hiệu tích cực đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống.

Đến nay, đã có 11 ngân hàng (NH) thương mại sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) gồm: Kienlongbank, Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, Nam A Bank, OCB, Agribank, SeABank, MB, VPBank.

Lợi nhuận sẽ tăng mạnh

NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa công bố hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC. Tổng giá trị trái phiếu đặc biệt được SeABank mua lại từ VAMC trong năm 2019 là 3.539 tỉ đồng.

Đại diện SeABank cho biết việc sạch nợ tại VAMC giúp NH chủ động theo dõi và xử lý nợ xấu, đồng thời tăng tính minh bạch trên báo cáo tài chính, tạo đà tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo. Sau khi tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt, SeABank sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1-1, góp phần gia tăng lợi nhuận cho NH trong thời gian tới.

NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu đặc biệt tại VAMC, với tổng giá trị dư nợ trái phiếu được mua lại trong năm 2019 hơn 3.000 tỉ đồng. Xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu tại VAMC là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của VPBank trong năm 2019, kế hoạch xử lý rốt ráo phần trái phiếu đặc biệt này đã đưa tỉ lệ nợ xấu (bao gồm dư nợ tại VAMC) của VPBank giảm xuống 2,84% tính đến quý III/2019.

Riêng NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), không chỉ sạch nợ tại VAMC, NH đã thu hồi và xử lý nợ xấu đạt gần 110.000 tỉ đồng. Việc hoàn tất mua lại nợ xấu đã bán từ VAMC giúp Agribank có thể chủ động xử lý những khoản nợ xấu này nhanh hơn, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Công tác xử lý nợ xấu hiệu quả, cùng với kiểm soát chất lượng tín dụng đã góp phần tích cực nâng cao năng lực tài chính của Agribank.

Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Quang Tín phân tích trước đây, việc các NH thương mại bán nợ xấu cho VAMC (đổi bằng trái phiếu đặc biệt) thực chất là động thái "gửi tạm" chứ chưa thể xử lý dứt điểm. Nay việc các NH mua lại các khoản nợ xấu đã bán từ VAMC về lại để tự xử lý là tín hiệu cho thấy các NH đã có đủ nguồn lực tài chính nhằm tăng hiệu quả giải quyết nợ xấu. Như trường hợp Techcombank, từ giữa năm 2017, NH này đã mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Việc không còn nợ xấu tại VAMC giúp Techcombank không phải trích lập dự phòng theo quy định, góp phần gia tăng lợi nhuận. Tỉ lệ nợ xấu tại thời điểm quý III/2019 được duy trì ở mức 1,8% nhờ chiến lược quản trị rủi ro thận trọng. Hiện chi phí rủi ro tín dụng của NH không chỉ thấp so với thị trường Việt Nam mà ngang bằng với nhiều NH khác trên thế giới.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, thời gian qua các NH thương mại liên tục rao bán đấu giá, thanh lý tài sản là bất động sản, nhà xưởng, máy móc thiết bị, cổ phiếu doanh nghiệp... để thu hồi nợ. Tại Agribank, sau khi mua lại nợ xấu từ VAMC, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản của NH này đã liên tiếp rao bán đấu giá nhà đất, khách sạn, máy móc thiết bị nhằm xử lý, thu hồi nợ.

Sạch nợ xấu, ngân hàng chờ bứt phá - Ảnh 1.

Cao ốc V-Ikon trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM là một trong những tài sản nợ xấu đã được Agribank thu hồi và rao bán thành công. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tín hiệu tích cực

Theo các chuyên gia, khi NH thương mại mua lại nợ xấu đã bán từ VAMC sẽ gia tăng khả năng xử lý, thu hồi nợ. Bởi bản thân NH thương mại mới hiểu đặc điểm từng khoản nợ xấu để bán, thanh lý, tìm khách hàng mua phù hợp... Và khi xử lý xong nợ xấu, các NH sẽ được hoàn nhập dự phòng, góp phần gia tăng lợi nhuận và đây là lợi nhuận thực chứ không phải là lãi dự thu.

Báo cáo về ngành ngân hàng do Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thực hiện và công bố cũng cho thấy chất lượng tài sản là một trong những yếu tố tác động mạnh tới lợi nhuận của các NH trong năm 2020. Theo đó, nhóm các NH đã hoàn thành việc xử lý nợ tồn đọng như Vietcombank, ACB, MB, Techcombank và VIB có lợi thế rõ ràng để duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn do không còn phải trích lập lượng lớn dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng giúp lợi nhuận không bị "ăn mòn".

Theo NH Nhà nước, trong năm 2019, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỉ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Cụ thể, ước tính đến tháng 12-2019, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 1,89%.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12-2019, toàn hệ thống ước tính đã xử lý được hơn 1 triệu tỉ đồng nợ xấu. Lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến cuối năm 2019, ước tính toàn hệ thống đã xử lý được 305.700 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Thời gian tới, NH Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025. NH Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Nguồn: