Mới đây, sau nhiều lần rò rỉ thông tin, Timo đã chính thức công bố Ngân hàng Bản Việt (Viet capital Bank) là đối tác chiến lược mới thay cho VPBank sau 5 năm đồng hành, đồng thời ra mắt ngân hàng số mới Timo Plus. Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn) là CEO của ngân hàng số này.
Có nhiều bàn luận xoay quanh vai trò của Fintech trong việc thay đổi kênh dịch vụ tài chính truyền thống, trong đó phần đông ý kiến cho rằng các Fintech sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Bảo Hoàng, thị trường dịch vụ tài chính tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và đang trong giai đoạn phát triển. Có rất nhiều người tiêu dùng vẫn chưa sử dụng hoặc tận dụng hết dịch vụ ngân hàng, do đó vai trò của ngân hàng truyền thống trong việc tiếp cận nhóm khách hàng này rất quan trọng.
Với sự ra đời của các Fintech, trong đó có Timo Plus, theo ông Bảo Hoàng, "chúng tôi nhận thấy mình là một đối tác trong một hệ sinh thái lớn hơn. Về cơ bản, chúng tôi đang cố gắng giải quyết các vấn đề người tiêu dùng gặp phải – đó là giúp cho việc sử dụng và quản lý dịch vụ ngân hàng, tài chính trở nên dễ dàng và đơn giản hơn. Công nghệ sẽ là công cụ giúp tối ưu hóa việc này. Tuy nhiên, bản thân công nghệ không phải là giải pháp mà giải pháp thực sự nằm ở việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng và bảo đảm công nghệ đáp ứng được điều đó".
Cũng theo CEO của Timo Plus, dù cho một ngân hàng truyền thống bắt đầu quá trình chuyển hoá số thì các dịch vụ của ngân hàng vẫn cần được vận hành để đáp ứng nhu cầu cần thiết của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu một khách hàng cá nhân lần đầu tiên sở hữu một tài khoản, những gì họ cần là một dịch vụ dễ tiếp cận và dễ sử dụng. "Đây cũng là một trong những mục tiêu của Timo Plus. Chúng tôi có thể không phải là ngân hàng đầu tiên bạn mở tài khoản nhưng chúng tôi muốn trở thành ngân hàng đầu tiên mà khách hàng hướng đến bất cứ lúc nào có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Trong thực tế, những khách hàng của chúng tôi vẫn đang sở hữu nhiều hơn một tài khoản. Điều này nói lên rằng thị trường vẫn có nhiều nhu cầu về dịch vụ ngân hàng mà ngân hàng truyền thống có thể khai thác, và chúng tôi cũng có kênh dịch vụ và nhóm khách hàng riêng để nhắm đến".
Trong lĩnh vực Fintech, tốc độ giải quyết tác vụ, đáp ứng dịch vụ là một trong các yếu tố quan trọng để phát triển, trong khi đó ngân hàng thì ưu tiên hàng đầu là an toàn. Và điều này làm dấy lên mối quan ngại liệu sự kết hợp giữa Fintech và ngân hàng có thể đáp ứng được hài hòa nhu cầu của các bên?
Về phía Fintech, ông AIan Barker – CTO của Ngân hàng số Timo Plus thừa nhận đó là những thách thức lớn mà họ phải dành nhiều thời gian để tìm ra giải pháp. Vì khi tăng cường bảo mật sẽ đồng thời gia tăng thêm sự phức tạp trong giao diện người dùng, vô tình khiến cho trải nghiệm người dùng kém đi. Đối với một công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, vấn đề lớn nhất phải đối mặt là hệ thống cần phải bảo đảm sự tích hợp sâu với hệ thống của ngân hàng đối tác. Do đó, Fintech cũng cần tuân theo các yêu cầu bảo mật như một ngân hàng. Điều này tạo ra thêm thao tác trong trải nghiệm của người dùng, nên buộc các công ty công nghệ luôn phải tìm ra các giải pháp sáng tạo để cải thiện tính bảo mật nhưng đồng thời cũng cần khiến cho trải nghiệm trở nên mượt mà.
Ở góc nhìn ngân hàng, theo ông Ngô Quang Trung – CEO của Ngân hàng Bản Việt, cũng là một thách thức mà hai bên đã xác định ngay từ ban đầu. Hiện nay, tất cả các ngân hàng đều muốn phát triển nhanh ngân hàng số. Tuy nhiên các ngân hàng không muốn từ bỏ mô hình ngân hàng truyền thống và thay thế bằng ngân hàng số, mà ngân hàng sẽ kết hợp giữa chi nhánh ngân hàng và dịch vụ số – khái niệm được gọi là mô hình "phygital" trong phát triển kinh doanh. "Đây là sân chơi mà các ngân hàng cần thích nghi với lối tư duy mới và mô hình kinh doanh mới, cần vượt qua thói quen "tuân thủ quá mức", hay các tập quán mang nặng tính truyền thống mà ít chú trọng tới trải nghiệm của khách hàng" – ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm, trong kinh doanh, đôi lúc cần can đảm chấp nhận những điều mới mẻ, dám thực hiện các dự án mang tính thử nghiệm. Việc đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về thí điểm hình thức định danh khách hàng điện tử eKYC trên thiết bị di động là một ví dụ mà ngân hàng này đang thực hiện trong mục tiêu mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng. Tới đây, những trải nghiệm của khách hàng sẽ được nâng cao hơn nữa sau khi hợp tác cùng Timo Plus. Ông tiết lộ, kể từ khi áp dụng eKYC (vào tháng 7) và hợp tác với Fintech tới nay (chính thức trong tháng 9), Viet Capital Bank đã ghi nhận thêm hơn 110.000 tài khoản khách hàng mới.
CEO Timo Plus và CEO Viet Capital Bank chia sẻ về tương lai của ngân hàng số
Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng, người trẻ là đối tượng thích nghi công nghệ rất sớm. Đây chính là nhóm khách hàng mà ngân hàng số Timo Plus đang muốn hướng đến. Từ góc nhìn của ngân hàng truyền thống, ông cho rằng các ngân hàng cần xác định hướng đi trong quá trình phát triển: Hướng đi đó sẽ là mở rộng hệ thống chi nhánh, hay sẽ là áp dụng quá trình số hoá? Thực tế hiện nay, đa số giới trẻ đều có điện thoại thông minh để truy cập trực tuyến mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, điện thoại gần như là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của giới trẻ. Mức độ tương tác với điện thoại gần như là thường xuyên. Một trong những thách thức của ngân hàng số mới này là làm thế nào để xây dựng mối dây liên kết giữa khách hàng và thiết bị thông minh, cũng như làm sao để trở thành một mắc xích liền mạch trong cuộc sống của họ - dù họ đang online, đang kết nối qua mạng xã hội hay đang mua hàng trên các trang thương mại điện tử, đang đặt xe di chuyển hoặc thực hiện các dịch vụ yêu cầu thanh toán điện tử khác.
Một thử thách khác không kém phần quan trọng là làm thế nào để ngân hàng số có thể gắn liền với cuộc sống tài chính của khách hàng. "Hầu hết giới trẻ khi bắt đầu có công việc và tạo ra thu nhập, khả năng tài chính thường không cao. Điều này cũng phản ánh bản thân tôi khi ở độ tuổi 20. Tôi đã lắng nghe hầu hết những lời khuyên, nhưng tôi không có đủ thời gian để áp dụng chúng. Tôi cần phải tìm hiểu về việc đầu tư vào các khoản đầu tư sớm như quỹ hưu trí, quỹ đầu tư tương hỗ hoặc làm cách nào để mua bảo hiểm. Nhưng trở ngại lớn nhất là không dễ dàng để bạn thực hiện các việc đầu tư này" – ông chia sẻ.
Và ông cho rằng một trong những yêu tố quan trọng có liên quan đến sự hợp tác cùng Ngân hàng Bản Việt, đó là khách hàng có thể phó thác các khoản tiết kiệm vào Timo Plus. "Chúng tôi luôn cố gắng tiết kiệm thời gian cho khách hàng thông qua dịch vụ dễ dàng và tiện lợi. Song, chúng tôi cũng mong muốn gia tăng giá trị cho khoản tiền của khách hàng, thông qua các sản phẩm đầu tư, tín dụng bảo hiểm và các sản phẩm khác giúp giới trẻ ổn định cuộc sống tài chính của mình".
CEO của Timo Plus cho biết thêm, mục tiêu của công ty này là "mỗi khách hàng tại Việt Nam sẽ sở hữu 1 tài khoản Timo Plus". Nhưng mục tiêu thiết yếu vẫn là làm sao để việc sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng ngày một tốt hơn thông qua nhiều phương diện. Ngân hàng Bản Việt và Timo Plus cùng nhau bổ trợ về mặt kỹ năng và nguồn lực để tạo nên một bức tranh tươi sáng cho tương lai trong những năm tới. "Chúng tôi cần nỗ lực làm việc nhiều hơn để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và công nghệ để đưa tầm nhìn này trở thành hiện thực. Đó chính là sự hợp tác, cùng phát triển và phối hợp giữa các bên để hướng đến khách hàng" – ông nói.
Nguồn: