VPBank bất ngờ lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức

23/11/2024
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 4, các cổ đông ngân hàng này đã chốt phương án không chia cổ tức.

Chiều ngày 22/6/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán VPB) đã công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông để chia cổ tức. 

Cụ thể, VPBank có nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/7/2021 để lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. 

HĐQT VPBank đề nghị cổ đông giao và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT ký các văn bản, triển khai các thủ tục cần thiết theo quy định và thực hiện sớm việc đăng ký, xin ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên.

Đây là một thông tin khá bất ngờ với nhà đầu tư, bởi lẽ tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra hồi cuối tháng 4 vừa qua, các cổ đông ngân hàng đã đồng thuận việc không chia cổ tức 2020 (thực hiện trong năm 2021) mà giữ lại khoản lợi nhuận 8.851 tỷ đồng còn sau trích quỹ bắt buộc để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

VPBank bất ngờ lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu VPB từ đầu năm 2021 tới nay

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB của VPBank là 1 trong những cổ phiếu "hot" nhất thời gian qua. Giá đã tăng gấp hơn 2 lần trong chưa đầy 6 tháng, từ mức 32.000 - 33.000 đồng đầu năm lên 66.000 đồng tại ngày 22/6. Thậm chí trước đó, VPB có lúc đã lên đến đỉnh 72.000 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu VPB tăng mạnh một phần nhờ sóng chung của ngành ngân hàng, phần khác nhờ những thông tin tích cực về hoạt động của nhà băng này, trong đó ấn tượng là thương vụ bán 49% vốn Fe Credit cho đối tác SMBC của Nhật với định giá công ty tài chính số 1 Việt Nam lên đến 2,8 tỷ USD.

Trong quý 1, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4.000 tỷ đồng, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng trưởng 55,2%. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ROA và tỷ suất lợi nhuận trên vốn ROE tương ứng đạt 3% và 23,5%, so với mức cuối năm 2020 là 2,6% và 22% - thuộc nhóm cao của toàn ngành.

Cả năm 2021, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 17,4% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% đạt 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020.

Tại đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank cho biết ngân hàng năm nay sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài, đồng thời dùng một phần cổ phiếu quỹ để phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên, phần khác để bán cho cổ đông nước ngoài. Khi đó, lợi nhuận có được sẽ được ghi nhận vào quỹ thặng dư, tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng. Ngoài ra, VPBank còn đàm phán lại với AIA về phương án hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm. Theo dự tính của lãnh đạo VPBank, tổng cộng các nguồn trên, tính đến cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank có thể lên đến 90.000 tỷ đồng.

Liên quan đến việc bán vốn cho đối tác nước ngoài, hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, VPBank đã có động thái đầu tiên đó là chốt room ngoại tại tỷ lệ 15%. Theo quy định hiện hành, giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa tại một ngân hàng Việt Nam là 30%, như vậy nhà băng này đã dành sẵn room 15% cho đối tác chiến lược.

Nguồn: