Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 23/9 vừa qua đăng thông tin lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Dự thảo Thông tư được NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Thông tư nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ thẻ ngân hàng nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh. Ngoài ra, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về việc ngân hàng được phát hành thẻ cho khách hàng bằng phương thức điện tử. Lý do NHNN đưa ra là nhằm mở rộng việc cung cấp dịch vụ ngân hàng thông qua phương thức không gặp mặt trực tiếp và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch thanh toán cho hoạt động tiêu dùng, kinh doanh.
Phát hành thẻ bằng phương thức điện tử
Đối tượng không được áp dụng phát hành thẻ bằng phương thức điện tử gồm cá nhân là người nước ngoài; cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; tổ chức và chủ thẻ phụ. Như vậy, việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử chỉ áp dụng với cá nhân là chủ thẻ chính. Loại thẻ được áp dụng phát hành bằng phương thức điện tử gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh.
Ngân hàng phải xây dựng quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và quy định tại dự thảo về phát hành thẻ bằng phương thức điện tử.
Ngân hàng sẽ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ tự chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh. Giải pháp công nghệ mà ngân hàng sử dụng phải đảm bảo được việc định danh, nhận dạng khách hàng. Giải pháp phải ngăn chặn được các hành vi mạo danh, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin nhận biết khách hàng.
Hạn mức giao dịch thẻ của khách hàng mở bằng phương thức điện tử do ngân hàng quyết định nhưng tổng hạn mức giao dịch không vượt quá 100 triệu đồng/tháng (gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước định danh). Ngân hàng được quyết định cấp hạn mức giao dịch vượt quá 100 triệu đồng/tháng và được thực hiện thanh toán quốc tế nếu: ngân hàng đảm bảo việc kiểm tra, xác minh thông tin khách hàng bằng phương thức điện tử (đối chiếu với dữ liệu căn cước công dân, áp dụng cuộc gọi ghi hình) hiệu quả như phương thức gặp mặt trực tiếp hoặc ngân hàng phải thực hiện xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp.
Những quy định khác trong dự thảo
Dự thảo cũng bổ sung quy định về miễn giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán của khách hàng bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hoặc các sự kiện bất khả kháng.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung về hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ; cấp tín dụng qua thẻ tín dụng; đối tượng và nguyên tắc sử dụng thẻ; trường hợp từ chối thanh toán thẻ và công tác báo cáo.
Nhìn chung, những đề xuất sửa đổi, bổ sung của NHNN nhằm cung cấp hành lang pháp lý cho ngân hàng thực hiện việc phát hành thẻ cho khách hàng bằng phương thức điện tử; hướng tới việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Nguồn: