Tổng Giám đốc VietinBank, ông Trần Minh Bình chia sẻ, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 1,24 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước. Trong đó dư nợ tín dụng đạt 952.000 tỷ đồng, tăng 7,2%. Tổng huy động đạt 892.000 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó nguồn vốn không kì hạn đạt 143.000 tỷ đồng, góp phần đưa chỉ số CASA của VietinBank tăng mạnh so với cuối năm 2018.
Lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 đạt gần 11.500 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của VietinBank.
Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của ngân hàng tăng từ 2,6% trong năm 2018 lên 2,9% trong năm 2019. Thu nhập từ lãi ước tăng 13,6%, tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động. Đặc biệt, tỷ trọng thu nhập từ SME và bán lẻ tăng từ 49,9% lên trên 54%.
Về vấn đề tăng vốn và áp dụng chuẩn Basel II, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết VietinBank đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn và thực hiện tăng vốn điều lệ, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, tăng trưởng năm 2020 của ngân hàng sẽ phụ thuộc tiến độ tăng vốn điều lệ. Dự kiến, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2020 của ngân hàng sẽ tăng 10% trở lên so với năm 2019. Theo đó, lợi nhuận năm 2020 của ngân hàng ít nhất phải đạt 12.600 tỷ đồng. Tổng tài sản năn 2020 dự kiến tăng 6-8%, tín dụng tăng khoảng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Kế hoạch kinh doanh trung hạn 3 năm 2021-2023, VietinBank cho biết sẽ triển khai một số nội dung trọng tâm như: Cơ cấu lại danh mục tín dụng, tăng tỷ trọng phân khúc khách hàng SMEs và bán lẻ; phát triển các chuỗi liên kết, cung cấp tổng thể giải pháp dịch vụ tài chính cho từng khách hàng/nhóm khách hàng; thực hiện đa dạng hóa hoạt động; đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu; quản trị tài chính, chi phí vốn hiệu quả; đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế với mức lãi suất và phí dịch vụ hợp lý; nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, chất lượng tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh.
Nguồn: