Sau nội công đến ngoại kích, nợ xấu sẽ nghiêng hẳn về một tên gọi

30/11/2024
Khác biệt lớn so với ảnh hưởng cuộc khủng hoảng 2008 đang và sẽ thống nhất hơn tên gọi đối với nợ xấu tới đây.

Vừa qua, trên kênh CNBC, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke phân tích những khác biệt căn bản từ tác động của đại dịch COVID-19 hiện nay đối với kinh tế toàn cầu, cũng như đối với hệ thống ngân hàng , so với những cuộc khủng hoảng hơn chục năm trước.

Những khác biệt đó cũng được dùng để nhìn về hệ quả tới đây, nếu có, đối với các ngân hàng thương mại, gồm cả tại Việt Nam.

Trước hết, Ben Bernanke - người trực tiếp dẫn dắt Fed ứng xử với tác động của cuộc khủng hoảng 2008 - nêu điểm xuất phát cơ bản. Đây cũng là khác biệt chính yếu.

Cuộc khủng hoảng 2008 có yếu tố nhân tạo chính yếu. Hoạt động cho vay dưới chuẩn, bong bóng tài sản được bơm thổi đến lúc vỡ, tạo cộng hưởng.

Nay, kinh tế toàn cầu chịu tác động từ nhân tố tự nhiên - dịch COVID-19 (nếu loại virus này do con người chủ động tạo ra thì lại là vấn đề khác).

Với điểm xuất phát đó, cựu Chủ tịch Fed khái quát khó khăn đối với hệ thống ngân hàng hiện nay. Nếu cuộc khủng hoảng 2008 có phần nội công, rủi ro từ trong lòng hệ thống phát tác ra, thì nay do ngoại kích với khó khăn bên ngoài dội vào.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng vậy.

Giai đoạn 2008-2011, hệ lụy từ bùng nổ tín dụng trước đó (đỉnh điểm 2007 tăng trưởng tín dụng trên 53%), vấn đề sở hữu chéo và định giá tài sản, sân sau rút ruột… kết chuyển đến hệ lụy nợ xấu phải xử lý đến cả chục năm về sau.

Nay, sau khi hệ thống đã có nhiều thành viên đạt chuẩn Basel II, nhiều nhà băng đã xử lý gọn nợ xấu và xóa sạch nợ tại VAMC…, nợ xấu lại có khả năng trở lại, tăng lên trước tác động của COVID-19.

Nhưng, như trên, yếu tố ngoại kích hiện nay trở nên nổi bật. Nó sẽ đẩy nợ xấu nghiêng hẳn về một tên gọi.

Tại một hội nghị toàn ngành vài năm trước, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC phát biểu: phải mất nhiều thời gian, và đến nay nợ xấu mới được gọi đúng hơn.

Cụ thể, Chủ tịch VAMC dẫn giải, một thời gian dài nợ xấu được gọi và gắn liền với ngân hàng, gọi là “nợ xấu ngân hàng”. Tuy nhiên, sau một quá trình xử lý, có những khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp vẫn không trả được nợ và thành nợ xấu. Đây được gọi là “nợ xấu của nền kinh tế”.

Ở hướng đó, (ngoại trừ những khoản vay do chủ quan ngân hàng tự tạo rủi ro như định giá, thẩm định, quản lý lỏng lẻo…) các khoản vay thông thường họ chỉ làm trung gian tài chính, khách vay không trả được rồi trở thành nợ xấu thì gắn thành “nợ xấu ngân hàng” có phần không hợp lý.

Nay, trước tác động của COVID-19, cung - cầu nhiều ngành hay giữa các thị trường đứt gãy, doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc tiêu thụ kém, dòng tiền hạn chế, khả năng trả nợ suy giảm. Nợ xấu phát sinh. Trong bối cảnh này, ngân hàng cũng bị ngoại kích; nguyên nhân dẫn đến nợ xấu xuất phát nhiều hơn từ bên ngoài, với bối cảnh và nền kinh tế. Tên gọi “nợ xấu của nền kinh tế” trở nên nổi bật hơn.

Tên gọi “nợ xấu ngân hàng”, “nợ xấu của nền kinh tế” có quan trọng không, hay chỉ đơn thuần là tên gọi mà thôi?

Tại hội nghị trên, Chủ tịch VAMC phân tích cụ thể. Tên gọi đi cùng với vai trò và trách nhiệm. Nếu gọi “nợ xấu ngân hàng”, như mặc định đó là của ngân hàng và ngân hàng tự chịu trách nhiệm. Theo đó, việc xử lý có thể bị hạn chế.

Nhưng, khi định rõ “nợ xấu của nền kinh tế”, trách nhiệm xử lý mở rộng hơn. Của nền kinh tế thì không chỉ ngân hàng, doanh nghiệp, mà các bộ ngành chức năng khác cũng có trách nhiệm rõ hơn để cùng xắn tay vào xử lý.

Khi có sự vào cuộc tổng thể hơn về trách nhiệm như vậy, việc xử lý nợ xấu, hạn chế những tác động tiêu cực của nó sẽ triển vọng kết quả tốt hơn.

Hiện tại, đã qua quý I, quý đầu tiên nền kinh tế chịu và phản ánh tác động bước đầu của COVID-19. Nhiều chỉ báo vĩ mô lẫn cụ thể tại nhiều doanh nghiệp đã được đo lường và công bố. Tuy nhiên, chỉ báo quan trọng về diễn biến nợ xấu, tuyệt nhiên đến nay vẫn chưa có con số nào cập nhật.

Nguồn: