Vietcombank và MBBank là 2 ngân hàng đã quá quen thuộc khi nói đến việc có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất trong hệ thống. Nhưng trong 3 năm gần đây, có thêm một ngân hàng khác là Techcombank cũng ngày càng tận dụng được nguồn vốn giá rẻ này, thậm chí tăng trưởng rất nhanh.
Cả 3 ngân hàng Vietcombank, MBBank, Techcombank đều đang có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng ở quanh mức 30%, cao hơn hẳn so với những nhà băng còn lại trong hệ thống. Chẳng hạn, những ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank,…cũng chỉ quanh mức 15%.
Trong tài liệu cho nhà đầu tư mới đây, Vietcombank cho biết, xét cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn, tỷ lệ CASA của ngân hàng này duy trì ở mức 28% vào cuối quý 2/2019 là mức cao của hệ thống. Trước đó, cuối quý 1/2019, tỷ lệ này ở mức 30%.
Vietcombank tự hào rằng định vị thương hiệu của nhà băng này đã thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi mạnh mẽ. Thị phần huy động tiền gửi của nhà băng này là khoảng 10,6% trên toàn quốc.
Cuối tháng 6, tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này là hơn 239.000 tỷ, ngoài ra, tiền gửi vốn chuyên dùng đạt gần 26.000 tỷ. Theo đó, xét về giá trị tuyệt đối, số tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này vẫn lớn nhất trong hệ thống.
Cơ cấu huy động tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank cuối quý 2/2019, nguồn: Vietcombank
Trong khi đó, MBBank cho biết cuối quý 2, tỷ lệ CASA của nhà băng này là 33%, giảm nhẹ so với mức 33,9% hồi cuối quý 1/2019. Mức tỷ lệ CASA của MBBank hiện nay cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Từ năm 2014-2018, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn của MBBank phổ biến ở mức 40%, cao nhất lên tới 42% vào cuối năm 2018.
Cuối tháng 6/2019, tiền gửi không kỳ hạn tại MB là hơn 66.600 tỷ, tiền gửi vốn chuyên dùng là hơn 4.000 tỷ, tiền gửi ký quỹ là hơn 14.800 tỷ; đều có xu hướng giảm so với hồi đầu năm.
Ngân hàng cho biết, với thương hiệu tốt trên thị trường, MBBank không ưu tiên chiến lược thu hút huy động bằng mọi giá mà cần tập trung nguồn vốn giá rẻ. Trong khi đó, Vietcombank cũng có một niềm tự hào tương tự là thương hiệu mạnh và mạng lưới rộng lớn.
Nguồn: MBBank
Mặc dù vẫn giữ được tỷ lệ CASA ở mức cao, tuy nhiên tại Vietcombank và MB đang có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian gần đây, phần vì vấp phải sự cạnh tranh từ các ngân hàng khác. Trong khi đó, tại Techcombank, tỷ lệ CASA không ngừng tăng mạnh. Theo nhà băng này, tăng trưởng CASA từ đầu năm 2018 tăng hơn 6 lần so với mức trung bình ngành tại Việt Nam.
Theo công bố của Techcombank này, tỷ lệ CASA cuối quý 2/2019 của nhà băng này là 30,4%. Trước đó, tỷ lệ này các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là 22,7%, 24,1% và 28,7%. Cuối tháng 6, tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank là hơn 63.700 tỷ, tiền gửi ký quỹ đạt hơn 3.000 tỷ.
Tỷ lệ CASA tại Techcombank, nguồn: Techcombank
Nếu như Vietcombank và MBBank thường nhấn mạnh đến thương hiệu trong lợi thế huy động tiền gửi không kỳ hạn thì Techcombank nói rằng, tăng trưởng huy động giá rẻ của nhà băng này đến từ sự gắn kết khách hàng thông qua các giải pháp thanh toán và số hóa. Giải pháp thanh toán bao gồm việc đẩy mạnh sản phẩm thẻ tín dụng phục vụ nhu cầu thanh toán hàng ngày. Giải pháp số hóa bao gồm cả việc miễn phí giao dịch trực tuyến để thúc đẩy giao dịch.
Cả Vietcombank, MBBank và Techcombank đều có chiến lược tiếp tục tập trung nguồn tiền gửi không kỳ hạn để tiết kiệm chi phí huy động bởi lãi suất loại tiền gửi này rất thấp, tại Vietcombank là 0,1%/năm, MBBank là 0,3%/năm, Techcombank là 0,3%/năm. Điều này lại càng quan trọng trong bối cảnh chi phí vốn đang là áp lực với nhiều ngân hàng khi mặt bằng lãi suất tiền gửi được đẩy lên cao. Việc có được nguồn tiền "giá rẻ" lớn giúp 3 ngân hàng này cũng không bị áp lực chạy đua lãi suất để thu hút tiền gửi tiết kiệm.
Nguồn: