Các ngân hàng (NH) nhanh chóng vào cuộc tái cơ cấu nợ, chia sẻ lợi nhuận, giảm lãi vay cho KH...Song song đó, NH cũng đẩy mạnh số hóa, gia tăng nguồn thu dịch vụ nên vẫn giữ được đà tăng của lợi nhuận 9 tháng đầu năm.
Chia "lửa" vượt qua đại dịch
Để chia sẻ khó khăn cùng KH, nhưng đồng thời cũng "nuôi" con nợ để có thể thu hồi nợ gốc, các NH đã giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay kể từ 15/7. NHNN cho hay, 16 NH thực hiện giảm lãi suất cho vay từ ngày 15/7 đến hết năm 2021, với tổng tiền lãi giảm cho KH ước tính 20.613 tỷ đồng.
Theo kết quả giám sát của NHNN, tính từ 15/7 đến 30/9/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 NH thương mại là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết.
Thực tế, các NH không ngừng đẩy mạnh vốn tín dụng giá rẻ ra thị trường. Tại Sacombank áp dụng lãi suất từ 4%/năm dành cho doanh nghiệp xuất khẩu và hỗ trợ khắc phục khó khăn hoạt động sản xuất kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19.
Trong khi đó, nhằm kịp thời hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc xây dựng chính sách cho vay để kịp thời hỗ trợ KH vượt khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh bị thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nam A Bank đang ưu đãi giảm lãi suất cho vay về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của KH cá nhân đang vay và ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,5%/năm dành cho KH doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp bổ sung vốn phục hồi sau dịch Covid-19.
Không chỉ chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi vay, chia khó cùng KH, NH còn đẩy mạnh tái cơ cấu nợ ảnh hưởng dịch. Lũy kế từ 23/1/2020 đến nay, giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho KH khoảng 531.000 tỷ đồng. Tuy vậy, lãnh đạo NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến ở mức từ 7,1-7,7%.
Số hóa giữ đà tăng lợi nhuận
Để hạn chế rủi ro trước những diễn biến khó lường của đại dịch, đòi hỏi NH lựa chọn chấp nhận chia sẻ một phần để giảm lãi suất và tăng "bộ đệm" dự phòng nhằm tăng cường năng lực xử lý nợ xấu, từ đó chống đỡ tốt hơn với các cú sốc lớn.
NH đẩy mạnh số hóa, gia tăng nguồn thu dịch vụ
Đó cũng chính là lý do khiến lợi nhuận của không ít nhà băng đi xuống trong quý III/2021. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh số hóa, gia tăng nguồn thu dịch vụ nên nhà băng vẫn giữ được đà tăng của lợi nhuận 9 tháng đầu năm. Đơn cử tại SCB, thu từ dịch vụ tăng nên lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 783,8 tỷ đồng trước thuế...
Còn tại Nam A Bank báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm gấp 3,6 lần nhờ nguồn thu dịch vụ (tăng 81% so cùng kỳ) do NH đẩy mạnh số hóa. Nam A Bank đã ghi dấu ấn trên thị trường tài chính khi là NH Việt đầu tiên đưa robot vào phục vụ giao dịch, đồng thời triển khai hệ thống Onebank giúp KH giao dịch 24/7: nộp hoặc rút tiền mặt… mà không phải đến quầy giao dịch trực tiếp. Nhà băng này tiếp tục nâng cấp toàn diện NH số Open Banking phiên bản 2.0 với giao diện hiện đại, tăng tính năng, tiện ích, giúp KH thực hiện các giao dịch NH trực tuyến nhanh chóng, an toàn, bảo mật.
Việc tiên phong trong đầu tư công nghệ đã góp phần giúp KH tiết kiệm thời gian, giao dịch an toàn, nhanh chóng, tiện lợi và giúp NH tiết giảm chi phí vận hành, tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đại dịch kéo dài đã gây ảnh hưởng nhất định đến hệ thống NH. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đã - đang và sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng KH, đối tác vượt qua khó khăn. Trong quý IV/2021, nhiều NH khả năng sẽ được nới "room" tăng trưởng tín dụng. NHNN cho biết, đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2020 (cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ) và dự kiến cả năm tín dụng đạt khoảng 12% nên dư địa còn lại để cho vay 2 tháng cuối năm còn lớn.
Mặc dù lãi suất cho vay giảm nhưng NH có thể bù lại bằng việc tăng quy mô cho vay, đồng thời tăng thu ngoài lãi nhờ nhịp đập số hóa. Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2021 do NHNN thực hiện vừa công bố, có 54% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý này. Các NH kỳ vọng, nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý IV khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Dự kiến tổng thể cho cả năm 2021, có 83,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận "giảm".
Nguồn: