Ngày 21/6 vừa qua Ngân hàng Nhà nước họp báo thông tin về một số kết quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng , điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2021.
Thông tin từ cuộc họp cho biết, đến hết tháng 6 dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán của toàn hệ thống ở mức 46.700 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với mức cập nhật tại hội nghị hồi tháng 4/2021.
Tuy nhiên, quy mô trên đang ở mức độ nào so với quy định và khả năng toàn hệ thống có thể cho vay?
Theo quy định, các tổ chức tín dụng được cho vay lĩnh vực này không quá 5% vốn điều lệ và vốn được cấp. Nếu tính theo tổng vốn điều lệ toàn hệ thống cập nhật đến tháng 2/2021 gần 665 nghìn tỷ đồng, giới hạn đó ứng với 33.226 tỷ đồng. Vậy tổng dư nợ cho vay 46.700 tỷ đồng nói trên có vượt quá giới hạn hay không?
Trả lời BizLIVE về câu hỏi trên, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm về quy định hiện hành, cũng như cơ cấu cụ thể trong dư nợ 46.700 tỷ đồng nói trên. Theo đó dư địa cho vay ở lĩnh vực này còn rất lớn, hay nói cách khác các tổ chức tín dụng vẫn rất thận trọng khi giữ tỷ trọng thấp hơn nhiều so với giới hạn.
Cụ thể, Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có các điều khoản chi tiết về cho vay lĩnh vực này.
Điều 11 khoản 3 quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Điều 12 khoản 3 quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Như vậy, theo quy định tại Thông tư 22 nêu trên thì tỷ lệ giới hạn 5% chỉ áp dụng đối với từng loại trái phiếu hoặc cổ phiếu, không áp dụng với chứng khoán khác.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, số liệu dư nợ chứng khoán Ngân hàng Nhà nước dự kiến đến cuối tháng 6 là 46.700 tỷ đồng, bao gồm dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).
Số liệu theo dõi của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cho thấy, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu là khoảng 11.685 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 1,76% vốn điều lệ của toàn hệ thống; dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh trái phiếu khoảng 1.310 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,2% vốn điều lệ của toàn hệ thống.
Như vậy, so với giới hạn 5% vốn điều lệ thì dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu hoặc trái phiếu nằm trong giới hạn theo quy định hiện hành, thậm chí rất thấp như trên.
Nguồn: