Trong "Tự do tài chính" số 18 với chủ đề "Ét Ô Ét! Tiền đi đâu hết rồi?", khi nhận được câu hỏi có thói quen gì với những đồng tiền lẻ, ông Nguyễn Hữu Quang - Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank chia sẻ rằng trước kia thực sự không quan tâm đến tiền lẻ cho lắm, đặc biệt là không thích tiền mặt. Nhưng mà sau này, sau khi nghiên cứu sâu về sản phẩm tài chính, vị CEO này hoàn toàn thay đổi quan điểm, cho rằng tiền lẻ cực kỳ quan trọng.
"Giả sử các bạn trẻ không uống 1 ly trà sữa khoảng 30 nghìn hay 40 nghìn, thay vào đó bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm hoặc đầu tư. Như Einstein từng nói ‘kỳ quan thứ tám’ là lãi kép, giả sử mỗi ngày tích lũy khoảng 30 nghìn, để ra 20 năm khoảng 500 triệu, nhưng để 40 năm khoảng 2,4 tỷ. Đôi khi chúng ta quên đi, tuy nhiên chỉ cần 1 ngày không uống cà phê hoặc trà sữa, sức mạnh của lãi kép sẽ giúp các bạn trẻ tự nhiên có được một khoản tiền rất lớn. Tiền lẻ rất có ý nghĩa".
Tại chương trình, ông Quang cũng đưa lời khuyên, các bạn trẻ vừa ra trường, nên xác định an toàn tài chính, tức thu nhập lớn hơn chi tiêu. Làm công việc chính chuyên tâm để có thu nhập ổn định và có thể tìm kiếm các nguồn thụ động để dòng tiền thu nhập lớn hơn chi tiêu.
Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc phụ trách phát triển kênh phân phối đối tác Công ty Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho biết, có nhiều người chi tiêu thoải mái, mua sắm để nhận được lời khen, nhưng thật ra người khen xong họ cũng chẳng nhớ gì. Để nhận lời khen đó mà chi tiêu quá mức là sai lầm.
Ôn Tuấn nêu quan điểm, hãy cân nhắc trong quản lý chi tiêu, xác định những khoản chi tiêu cố định và những khoản "nice to have" như đi du lịch. Đi du lịch để xả stress, tái tạo năng lượng sau khoảng thời gian lao động cực nhọc thì nên. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta lạm dụng. "Chúng ta cần có 1 ngân sách để không vượt qua mức này. Nếu chúng ta chi tiêu quá mức cho phép để xả stress thì không khác gì đang quay vào chuyện đi chơi về lại nợ nần chồng chất, như vậy chỉ có stress hơn".
Tại chương trình, ông Tuấn cũng chia sẻ câu chuyện quản lý tài chính của mình khi còn trẻ. Ông nói: "Khi mới ra trường, tôi đã xác định việc mua xe máy để phục vụ cho công việc, tôi đã chọn trả góp trong 1 năm. Sau đó, với đồng lương, cộng thêm mượn của ông bà, bố mẹ, tôi mua một mảnh đất khoảng 120 triệu. Trong khoảng 2 năm thì tôi trả được khoản nợ, trong khi giá trị của đất thì đã tăng khủng khiếp. Khi đã xác định mục tiêu thì cần kỷ lục trong chi tiêu. Chúng ta có thể dùng đòn bẩy tài chính, tất nhiên phải dựa trên cơ sở có khả năng trả.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank thì chia sẻ, khi mới ra trường, ông là người rất đam mê công việc, chơi rất ít nên chi tiêu cũng ít. "Tôi cũng cho rằng nên tận dụng đòn bẩy một cách logic. Khi đi làm ổn định thì nên tận dụng để có được nguồn tiền từ ngân hàng để đầu tư, dòng tiền nảy nở sinh sôi,…". Tùy khẩu vị rủi ro trong đầu tư, có những người kiếm rất nhanh từ blockchain nhưng cũng kèm rủi ro cao. Còn những người muốn chắc chắn hơn thì chọn các quỹ đầu tư.
Đón xem livestream Tự Do Tài Chính phát sóng 20h tối thứ Sáu hàng tuần trên 5 nền tảng:
Báo điện tử VTV: www.vtv.vn
Fanpage Báo điện tử VTV: www.facebook.com/baodientuvtv
Fanpage VTV24 Money: www.facebook.com/vtv24money
Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24: www.facebook.com/tintucvtv24
Youtube VTV24: www.youtube.com/c/vtv24
Nguồn: