Tại sao lại cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hay vì dịch vụ này gắn với xã hội, đen tín dụng đen, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết thúc phần cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại điều 6 của Luật Đầu tư.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Nói rõ là không ủng hộ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ, song Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chuyển từ kinh doanh có điều kiện sang cấm kinh doanh thì phải đánh giá kỹ tác động. Bà Nga đề nghị xem lại kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ của uỷ ban nhân dân một số tỉnh xem cụ thể họ kiến nghị cái gì, tình hình tổng thể trên cả nước thế nào.
Nhấn mạnh là muốn thay đổi chính sách thì phải có đánh giá, Chủ nhiệm Nga cũng nhận xét chung rằng cả dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) việc tổng kết, đánh giá tác động đều rất sơ sài.
Cả hai báo cáo đánh giá tác động, trên thì là báo cáo của Chính phủ nhưng dưới thì chả ai ký cả. Về nội dung thì phương án nào Chính phủ chọn thì nêu rất nhiều tích cực, còn phương án không chọn thì chỉ thấy tác động tiêu cực, bà Nga nhận xét.
Vẫn liên quan đến quyền tự do kinh doanh, về việc bãi bỏ phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014, Uỷ ban Kinh tế không nhất trí vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên phải quy định trong luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Một số ý kiến tại phiên thảo luận cũng đồng tình không thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì như thế là trái với tinh thần Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu chỉ bổ sung vào danh mục kinh doanh có điều kiện ngành nghề nào thật cần thiết, đừng bổ sung những cái xã hội đang tồn tại mà không ảnh hưởng gì đến quốc kế dân sinh, nhất là những việc từ thiện nhân dân đang làm.
Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá thật kỹ những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, trong đó có đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Hạn chế kinh doanh, cấm kinh doanh thì liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân phải quy định tại luật, giao cho Chính phủ quy định sẽ dễ dẫn đến sự thay đổi, ông Hiển nói.
Nguồn: