Thắt chặt chi tiêu, ngân hàng cắt cả nước uống nhân viên

24/11/2024
Ngân hàng lớn nhất Indonesia đã hạn chế nước uống có sẵn tại trụ sở của mình sau khi phát hiện ra nhiều nhân viên để thừa nước.

Theo Bloomberg, Armand Wahyudi Hartono, Phó giám đốc điều hành PT Bank Central Asia (BCA) - ngân hàng ngoài quốc doanh lớn nhất Indonesia - tình cờ thấy nhân viên bỏ lại nửa cốc nước trên bàn sau khi ra về. Ngay sau đó, ông đã ra quyết định hạn chế nước uống tại trụ sở làm việc của BCA.

Kiểm soát nghiêm ngặt chi phí là cách mà các ngân hàng đang thực hiện để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả, thu hút các nhà đầu tư. Ngoài hạn chế nước uống, họ còn cấp cả hạn mức sử dụng Internet cho nhân viên và quản lý. Phòng họp cũng không miễn phí. Các phòng ban sẽ phải trả tiền để sử dụng.

BCA được Sudono Salim sáng lập năm 1957. Ngân hàng này được chính phủ Indonesia cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90. Sau đó, BCA được bán lại cho hai đại gia Robert Budi Hartono và Michael Bambang Hartono.

Thắt chặt chi tiêu, ngân hàng cắt cả nước uống nhân viên - Ảnh 1.

Thắt chặt chi tiêu, ngân hàng cắt cả nước uống nhân viên

Áp dụng công nghệ đang là bài toán để giảm chi phí tại nhiều ngân hàng. Mike Mayo - nhà phân tích cấp cao tại Wells Fargo Securities - cho biết, mỗi năm, các công ty tài chính Mỹ chi 150 tỷ USD cho công nghệ - cao hơn tất cả các ngành khác. Cải tiến công nghệ sẽ làm giảm chi phí.

Sau đợt chạy thử thành công, ngân hàng St. Galler Kantonalbank cũng quyết định sử dụng ba robot cho công việc như soạn thông tin và điền biểu mẫu. Nhà băng này lên kế hoạch có thêm robot thứ tư và sớm thành lập đội ngũ robot gồm năm thành viên.

Giữa cảnh quy định ngành chặt chẽ hơn và lãi suất thấp, các ngân hàng chịu áp lực giảm chi phí và robot có thể giúp họ đạt được mục tiêu. Nhà tư vấn công nghệ Christian Toelkes cho hay, không ít ngân hàng đã sử dụng robot vài năm nay, một số nhà băng là thực sự bắt đầu sử dụng chúng một cách rộng rãi và lâu dài để giúp điều hành hoạt động kinh doanh

Theo dự đoán của Wells Fargo, 200.000 việc làm ngành ngân hàng sẽ bị cắt giảm trong thập kỷ tới, mạnh nhất lịch sử.

Cuộc đua giảm nhân sự

Cắt giảm các loại chi phí đang là mối quan tâm hàng đầu tại nhiều ngân hàng lớn. Deutsche Bank cắt giảm 18.000 nhân lực để cải tổ và ưu tiên các mảng khác sinh lời tốt hơn. Việc cắt giảm nhân lực sẽ được Deutsche Bank hoàn tất trong năm 2022, đưa số lao động về khoảng 74.000 người.

Chi phí liên quan đến cải tổ có thể khiến họ lỗ ròng 2,8 tỷ Euro trong quý II. Tổng chi phí tái cấu trúc có thể lên tới 7,4 tỷ Euro năm 2022. Đây là bước ngoặt rất lớn với ngân hàng 149 tuổi này. Họ là trụ cột của nền tài chính châu Âu, nhưng từ nhiều năm nay đã phải chật vật tìm lợi nhuận, bất chấp hàng loạt cuộc cải tổ.

Thắt chặt chi tiêu, ngân hàng cắt cả nước uống nhân viên - Ảnh 2.

Robot đang đe doạ việc làm ngành ngân hàng

Tương tự, HSBC Holdings đang lên kế hoạch sẽ giảm việc làm nhằm cắt giảm chi phí cho toàn bộ nhóm ngân hàng. Giám đốc điều hành tạm thời - Noel Quinn, đã lên tiếng xác nhận điều này.


Kế hoạch trên thể hiện rõ nỗ lực đầy tham vọng của Quinn trong việc kiểm soát chi phí vốn ở mức khá cao trong nhiều năm. Số lượng nhân viên bị cho nghỉ việc - khoảng 10.000 người, là con số khá đáng kể với tổng nhân sự 238.000 người của HSBC.

Cắt giảm việc làm được thực hiện như một phần của kế hoạch mới nhất mà HSBC công bố thời gian gần đây, nhằm đối mặt với "môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp và đầy thách thức; lãi suất tiền gửi thấp, xung đột thương mại chưa có hồi kết, và vấn đề Brexit vẫn đang diễn biến theo chiều hướng xấu".

Đại gia ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ Citigroup cũng phải thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân sự khốc liệt. Đây được coi là hệ quả từ sự lao dốc trong kết quả doanh thu đầu tư toàn ngành từ đầu năm đến nay trên thị trường tài chính.

Tại Citigroup, báo cáo về doanh thu đến từ các giao dịch kinh doanh chứng khoán vốn và hoạt động cơ bản đã giảm đi 5%, ngoại trừ dấu hiệu khởi sắc hiếm hoi từ giao dịch kinh doanh chứng khoán ngắn hạn. Trong đó, kết quả kinh doanh chứng khoán vốn giảm tới 17% xuống còn 1,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm - mức thấp nhất trong số các đại gia Ngân hàng Mỹ.

Cho đến nay, một số nhà phân tích đã thể hiện sự thất vọng về tiến độ của Citigroup và không chắc về mục tiêu của họ nhằm tăng lợi nhuận ròng trên TCE lên 12% vào năm nay. Chỉ số hiệu suất của Citigroup đã được cắt giảm 56,5% trong nửa đầu năm nay, có sự cải thiện 90 điểm cơ bản so với năm ngoái.

Nguồn: