Đặc biệt, năm nay các nhà băng kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng từ việc hoàn nhập dự phòng khi nợ xấu đã phần nào được xử lý, tất toán hết trái phiếu VAMC.
Dư địa tăng trưởng đến từ… dịch vụ
Nổi bật trong nhóm ngân hàng “ăn nên làm ra” nhờ dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 142% lên mức 764 tỷ đồng, chiếm 21%; Lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng 11% đạt 93,5 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả của hướng chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ khi dư nợ cho vay, ngân hàng bán lẻ chiếm 78% tổng danh mục cho vay của VIB. Trong đó, hai sản phẩm cho vay chủ lực của VIB là cho vay mua nhà ở và cho vay ô tô đạt tăng trưởng 19% và 23% trong 6 tháng đầu năm (năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng tương ứng là 45% và 59%).
Bên cạnh lĩnh vực cho vay, VIB còn được nhận định là ngân hàng dẫn đầu xu hướng phát triển thẻ tín dụng tại Việt Nam nên doanh số phát hành thẻ và chi tiêu trên thẻ tại VIB luôn gấp đôi trung bình ngành. Đặc biệt, VIB cũng là ngân hàng luôn nằm trong top đầu về doanh số phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đến khách hàng khi phân phối trên 75% doanh số Bancasurrance của Prudential tại Việt Nam.
Tương tự, tại TPBank, mảng dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nhà băng này khi đóng góp tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu lợi nhuận. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của TPBank đạt 605 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kì 2018.
Trong khi đó, tại ACB, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy lợi nhuận tăng trưởng là nhờ có sự đóng góp lớn từ thu nhập lãi thuần và thu nhập từ phí, đặc biệt là mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với hãng bảo hiểm AIA. Theo đó, tính trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng mảng này gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán bảo hiểm khoảng 350 tỷ đồng.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho hay, doanh số mảng này hiện chiếm vị trí thứ 4 thị trường và khả năng sinh lời nằm trong top 2. Tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khoảng 93%. Nhờ đó, doanh thu dự kiến của mảng bancassurance cho cả năm 2019 khoảng 600 tỷ đồng.
Tình hình cũng tương tự với Sacombank, thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, doanh thu từ dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ với con số gần 1.400 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Xu thế này cũng là điểm chung với những ngân hàng như Techcombank, HDBank, OCB, SCB… Tại SCB, nửa đầu năm 2019, "điểm nhấn" đáng chú ý mà nhà băng này có được là khoản thu nhập 290 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và 503 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, tăng trưởng 22% và 58% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, với HDBank, dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 chưa được công bố cụ thể nhưng theo một đại diện nhà băng này, thu nhập từ dịch vụ sẽ rất… ‘ấn tượng’.
Cơ sở để nhà băng này tự tin là ở góc độ hệ sinh thái ngân hàng, HDBank đang chiếm ưu thế về data và chuỗi phục vụ đặc quyền cho hơn 20 triệu khách hàng trực tiếp, bao gồm ở HDSaison và Vietjet. Con số này thậm chí còn lớn gấp đôi nếu cộng thêm data của nhóm năng lượng, bán lẻ… Còn nhớ, năm 2018, thu nhập ngoài lãi của HDBank đạt mức tăng trưởng tới 123% so với năm trước đó, và dự kiến khoản này trong năm nay sẽ còn bật mạnh hơn khi công ty con HD Saison được cung cấp dịch vụ kinh doanh ngoại hối như lộ trình.
Chiến lược nào cho nửa cuối năm 2019?
Trong bối cảnh tín dụng giảm tốc, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2019 được dự báo sẽ gặp thêm khó khăn khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được dự báo sẽ khó cải thiện. Chưa kể, áp lực tăng lãi suất, cạnh tranh cho vay bán lẻ và áp lực huy động vốn từ nợ thứ cấp, thay đổi Thông tư 36 sẽ khiến NIM bị áp lực… Chính vì vậy, một trong những chiến lược được các ngân hàng đẩy mạnh phát triển là đầu tư vào ngân hàng số và bancassurance; áp dụng các chương trình phí dịch vụ mới; đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ…
Tại ACB, nhà băng này bắt đầu tiến hành lắp đặt máy giao dịch tiền mặt - CDM từ quý IV/2018, cho phép ACB mở rộng cho vay tín chấp tới khách hàng phổ thông với chi phí hoạt động thấp kể từ năm 2019, nhưng với kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín chấp ở mức vừa phải. Ngoài ra, ACB đã áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp giao dịch với Ngân hàng. Bằng cách này, ACB đánh đổi hệ số NIM cho các mục tiêu dài hạn như giảm rủi ro tín dụng, tăng CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi).
Trong khi đó, tại VIB, từ đầu tháng 12/2018, nhà băng này đã ra mắt đồng loạt 5 sản phẩm thẻ tín dụng hoàn toàn mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của chủ thẻ; đầu tư đáng kể vào việc phát triển ứng dụng MyVIB, Internet Banking... Đồng thời, VIB cũng liên tục đưa ra những gói sản phẩm, dịch vụ khá hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong việc vay tiền mua ô tô và mua, sửa chữa nhà... Nhờ đó, chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, tín dụng khối bán lẻ tại VIB đã tăng ở mức 8%.
Không nằm ngoài cuộc chơi, Vietcombank nhờ ba hướng dịch chuyển so với giai đoạn trước đây gồm: Dịch chuyển mạnh từ bán buôn sang bán lẻ; đẩy mạnh vốn cho hoạt động đầu tư; gia tăng tỷ trọng và nguồn thu dịch vụ qua mở rộng khách hàng và phát triển các sản phẩm, tiện ích. Nhờ đó, góp thêm vào sự gia tăng lợi nhuận ở mức “kỷ lục” hơn 11.100 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Hàng loạt nhà băng khác như: MB, Techcombank, VPBank… cũng đang nắm bắt tốt các cơ hội từ hoạt động cho vay bán lẻ và các hoạt động thu nhập ngoài lãi, huy động không kỳ hạn cao để giảm chi phi vốn và nâng cao chất lượng tài sản để hạn chế rủi ro nợ xấu tăng trên toàn hệ thống.
Đánh giá về xu hướng chuyển dịch của các ngân hàng hiện nay, TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, cho rằng, việc đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ là một chiến lược tốt trong xu thế nguồn vốn liên ngân hàng giá rẻ cũng không còn dồi dào do một số biện pháp thắt chặt tiền tệ gần đây, lạm phát cũng đang có xu hướng tăng và lãi suất trái phiếu chính phủ khó giảm sâu. Trong đó, phát triển tăng thu từ dịch vụ cùng lúc mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, các ngân hàng sẽ không phải chịu mức độ rủi ro cao từ hoạt động tín dụng; thứ hai, phát triển dịch vụ cũng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu các TCTD, giảm thiểu độc canh tín dụng.
“Mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16 - 17% cũng là yêu cầu đặt ra trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của NHNN”, ông Tín chia sẻ. |