Thêm một phiên đấu thầu thất bại, trái phiếu Chính phủ đứng trước áp lực

24/11/2024
Hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước vừa tiếp tục có thêm một phiên thất bại, khi tất cả kỳ hạn gọi thầu đều không có khối lượng trúng thầu...

Như thông tin cập nhật vừa qua , tới hết tháng 2/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) mới phát hành tổng cộng được 32.462 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), tương ứng 8% kế hoạch năm 2022 (400.000 tỷ đồng).

Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 14.142 tỷ đồng (đạt 10% kế hoạch năm), 15 năm là 9.950 tỷ đồng (đạt 7% kế hoạch năm), 20 năm là 1.685 tỷ đồng (đạt 6% kế hoạch năm) và 30 năm là 6.685 tỷ đồng (đạt 19% kế hoạch năm). Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu không thành công.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành của TPCP kỳ hạn 5 năm giảm 1.800 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm tăng 3.792 tỷ đồng, 15 năm tăng 369 tỷ đồng, 20 năm giảm 395 tỷ đồng, 30 năm tăng 3.485 tỷ đồng; trong khi trái phiếu kỳ hạn 7 năm không được gọi thầu thành công.

Thêm một phiên đấu thầu thất bại, trái phiếu Chính phủ đứng trước áp lực - Ảnh 1.

Khối lượng phát hành TPCP giai đoạn 2017- 2T2022. Nguồn: VBMA


Lũy kế tới 23/3, tổng khối lượng TPCP phát hành thành công mới đạt 41.282 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 15,85 năm; lãi suất phát hành bình quân là: 2,39%/năm.Xét riêng quý 1, KBNN có kế hoạch phát hành 105.000 tỷ đồng TPCP trong quý để huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2022.

Như vậy, với khối lượng trên, sau hơn 2/3 thời gian, việc phát hành TPCP mới hoàn thành được hơn 39% kế hoạch của quý và chỉ hơn 10,3% kế hoạch cả năm 2022.

Thêm một phiên đấu thầu thất bại, trái phiếu Chính phủ đứng trước áp lực - Ảnh 2.

TRƯỚC ÁP LỰC LÃI SUẤT TĂNG

Xu hướng khó khăn trong việc huy động TPCP được thể hiện rõ nét khi trong tháng 3 đã có những phiên đấu thầu TPCP thất bại.

Như phiên ngày 9/3 vừa qua, hoạt động đấu thầu TPCP của KBNN đã có phiên thất bại khi 6.000 tỷ đồng TPCP chào thầu có vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất – cao nhất đồng loạt tăng so với trước đó, với mức tăng phổ biến từ 10 – 30 điểm cơ bản.

Trong phiên này, các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt là 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 30/03, KBNN đã tiếp tục có một phiên gọi thầu TPCP thất bại. Theo đó, kết quả gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCP ở ba loại kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm đều không có khối lượng trúng thầu.

Đáng chú ý, vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất tăng từ 4 – 5 điểm tùy kỳ hạn, trong khi vùng lãi đặt thầu cao nhất tăng mạnh 25 điểm đối với kỳ hạn 30 năm và giữ nguyên ở hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm.

Như vậy, qua quý 1/2022, hoạt động đấu thầu TPCP đã gặp những khó khăn đáng chú ý. Khó khăn này đã "phát tín hiệu" từ trước đó, khi trên thị trường TPCP chênh lệch lãi suất sơ cấp và thứ cấp doãng rộng, gia tăng áp lực điều chỉnh trên sơ cấp.

Về phía cầu, nhà đầu tư tham gia kênh này chủ yếu là Bảo hiểm Xã hội, trong khi các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng khi lợi suất TPCP Mỹ tăng mạnh, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng neo ở mức cao... Và vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất, lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục tăng; lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã củng cố mặt bằng mới và cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021.

Như vậy, hoạt động đấu thầu TPCP thời gian tới đang đứng trước áp lực phải tăng lãi suất để cải thiện tiến độ huy động cho cân đối ngân sách; chi phí Chính phủ phải trả theo đó dự kiến sẽ bớt đi mức độ dễ chịu như từng có trong năm 2020 và 2021.

Nguồn: