Thị trường có 27 ví điện tử, nhưng 5 "ông lớn" nắm thị phần tới 90%

26/11/2024
Những công ty trung gian thanh toán lớn này đều có sở hữu của nước ngoài...

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Theo thống kê của NHNN, trong quý 2/2019, tốc độ tăng trưởng thanh toán dịch vụ mobile banking đạt trên 160%. Trong khi đó, tỷ lệ này trong khu vực chỉ khoảng 60-80%, chẳng hạn Thái Lan tăng 80% đã được xem là mức tăng trưởng cao.

Theo Vụ Thanh toán, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn hai lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 27 công ty đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động.

So với các nước, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để doanh nghiệp Fintech phát triển nhanh hơn nữa. Quy mô dân số của Việt Nam khá lớn so với các nước trong khu vực, khoảng hơn 96 triệu dân ở thời điểm hiện tại. Trong đó, trên 65% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, nơi mà mạng lưới ngân hàng còn ít. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng mới chỉ 45,8 triệu người, chiếm 63% năm 2018. 

Cơ sở hạ tầng viễn thông có nhiều thuận lợi khi Việt Nam nằm trong top 20 nước có người dân sử dụng Internet nhiều nhất, số người dùng Internet chiếm khoảng 52% dân số. 51 triệu người sử dụng điện thoại thông minh hiện nay, chiếm tới 55% dân số.

Dư địa cho các doanh nghiệp Fintech còn nhiều như vậy, nhưng xung quanh khung pháp lý, quy định cho lĩnh vực này còn nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng, sự phát triển của các Fintech có thể bị hạn chế bởi quy định tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, dự kiến ban đầu room ngoại tham gia vào các doanh nghiệp Fintech là 30%, tuy nhiên, NHNN vẫn đang dự thảo, xin ý kiến cộng đồng, có thể là 30% nhưng cũng có thể là 49%,….

Vị lãnh đạo NHNN cũng giải thích việc tại sao đặt ra tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho các ví điện tử. Trên thị trường hiện nay có 27 ví điện tử, tuy nhiên có sự phân hóa mạnh, thị phần 90% (cả số lượng giao dịch, giá trị giao dịch) chỉ nằm trong tay của 5 công ty trung gian thanh toán. Và đáng lưu ý, những công ty này đều có sở hữu của nước ngoài, mức sở hữu từ 30%, thậm chí đến hơn 90%. Điều này cũng đặt ra quan ngại lớn rằng lĩnh vực thanh toán, thị trường tiền tệ có thể bị thao túng từ các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia.

Ông Nghiêm Thanh Sơn nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của cơ quan quản lý đối với thị trường Fintech suy cho cùng là đảm bảo lợi ích của người dùng. Nhưng đi cùng với đó, NHNN cũng sẽ tạo hành lang pháp lý sao cho vẫn thúc đẩy doanh nghiệp được đổi mới sáng tạo. Trong đó, Sandbox là một trong những giải pháp hàng đầu, NHNN cũng đang là đơn vị đi đầu trong các bộ ngành về cơ chế này.

Nguồn: