Thời gian “vàng” thúc đẩy ngân hàng số

01/01/2025
Sau gần 3 tháng chịu ảnh hưởng của dịch covid 19, doanh nghiệp, người tiêu dùng có xu hướng tăng giao dịch online lên rõ rệt…

Đây là hướng gợi mở để Việt Nam hướng tới kinh tế số. Vấn đề này đang là những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

Trước đại dịch Covid-19, ngân hàng số còn là vấn đề rất gian nan, để tiến tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Giai đoạn giãn cách xã hội là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp áp dụng giải pháp công nghệ đẩy mạnh các giao dịch online, tạo cơ hội cho lĩnh vực thanh toán điện tử và sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

Chị Phạm Thị Hương, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mọi người trong gia đình đã chuyển dần thói quen đi chợ mỗi ngày bằng việc mua bán hàng online.

"Tôi lựa chọn phương thức mua hàng online nhiều hơn so với trước bởi sự tiện ích, khi thanh toán qua ngân hàng giảm được nhiều chi phí so với thanh toán tiền mặt, bởi vì thanh toán trực tuyến vì được kèm nhiều khuyến mãi" - chị Hương cho biết.

Thời gian “vàng” thúc đẩy ngân hàng số - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: KT


Ông Phạm Quang Đệ - Phó Giám đốc khối ngân hàng số Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienViet Postbank) cho hay, hiện mạng lưới của Ngân hàng trải rộng tại các tỉnh, thành và nhiều địa phương bởi ở đâu có bưu điện ở đó có ngân hàng.

"So sánh kỹ về trước, trong Covid-19 và thấy rằng, trong Covid-19, tại ngân hàng lượng giao dịch thanh toán điện tử phát triển cực mạnh, tăng trưởng 20%, đạt 15.000 tỷ đồng về tổng giá trị giao dịch; tăng trưởng 28% về giao dịch chuyển tiền, rút tiền, trả lương; tăng trưởng 60% về dịch vụ tiết kiệm… Điều này cho thấy, xu hướng hành vi xã hội chắc chắn phải số hóa, các dịch vụ ngân hàng số sẽ tăng trưởng với quy mô, giá trị giao dịch lớn", ông Phạm Quang Đệ phân tích.

Đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy, sản phẩm dịch vụ trên ngân hàng số có sự tăng trưởng lớn.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, các dịch vụ trên smartbanking tại ngân hàng có chiều hướng tăng cao trong đợt dịch bệnh vừa qua. Trong đó, khách hàng có thể sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của ngân hàng, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch trong tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng.

Đồng thời, BIDV cũng đã tích hợp VinID với hạng mục “đi chợ online” để tăng tiện ích cho khách hàng… Trong chiến lược năm 2020, phát triển ngân hàng đến 2025 tầm nhìn 2030, BIDV xác định công nghệ và ngân hàng số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược phát triển chính của ngân hàng.

"Định hướng phát triển ngân hàng số trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi tập trung vào những trụ cột chính về phát triển các kênh phân phối số. Chúng tôi phải đưa các sản phẩm lên các nền tảng số; đặc biệt chúng tôi xây dựng một hệ sinh thái mở cho nền tảng trên smartbanking. Trong phát triển lâu dài chúng tôi xây dựng năng lực số, xây dựng các nền tảng phát triển ứng dụng cho mục đích marketing số hóa và năng lực phân tích dữ liệu và dùng các dữ liệu để ra các quyết định", ông Thắng nói.

Trong khi ngân hàng xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp mất khoảng 1 tuần, thì ngân hàng số có thể giải ngân cho doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng.

Tại Việt nam, tốc độ tăng trưởng về mobile banking là 200% đây là mức tăng trưởng rất tốt. Hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đó là thói quen dùng tiền mặt để trao đổi, vì vậy vẫn cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngân hàng số trong thời gian tới có 2 điểm cần lưu ý đó là phải đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. Thứ hai, khách hàng có được những thoả mãn với các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

Dự kiến trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 lại là chất xúc tác để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động xã hội trên không gian số. Hệ thống hạ tầng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện.

Đồng thời, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính./.

Nguồn: