Các hộ gia đình ở Mỹ đang gánh khối nợ kỷ lục 14 nghìn tỷ USD, gồm những khoản như nợ thế chấp nhà, nợ thẻ tín dụng, nợ học tập, và các dạng nợ khác.
Trang CNN Business dẫn báo cáo do Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh New York công bố ngày 13/11 cho biết tổng nợ của các gia đình ở Mỹ tăng 0,7% trong quý 3 vừa qua, tiếp nối xu hướng tăng đã kéo dài 5 năm. Tỷ lệ lạm phát thấp, niềm tin tiêu dùng mạnh, và lãi suất thấp là những nhân tố khuyến khích người Mỹ vay nợ.
So với mức đỉnh cũ thiết lập vào năm 2008, nợ của các hộ gia đình ở Mỹ hiện tăng thêm khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, nhưng con số này chưa tính đến yếu tố lạm phát hay quy mô lớn hơn của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Trong tổng nợ, các khoản vay thế chấp nhà chiếm phần lớn nhất 9,44 nghìn tỷ USD, tăng 0,3% so với quý 2. Nợ học tập tăng 1,4%, lên mức 1,5 nghìn tỷ USD. Nợ thẻ tín dụng tăng thêm 13 tỷ USD trong quý.
Tất cả các khoản vay này - đặc biệt là vay thẻ tín dụng và vay thế chấp nhà - giúp hỗ trợ tiêu dùng, trụ cột lớn nhất của nền kinh tế Mỹ thời hiện đại. Tuy nhiên, lượng vay nợ khổng lồ như vậy có thể đặt ra nguy cơ không nhỏ đối trong trường hợp nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 13/11, Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo rằng nợ của các doanh nghiệp ở Mỹ đang "ở mức cao lịch sử", nhưng phát tín hiệu rằng ông không lo ngại nhiều về việc người tiêu dùng vay nợ để chi tiêu.
Trong một báo cáo ngày 13/11, ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư thuộc Bleakley Advisory Group, chỉ ra một điểm đáng ngại là tỷ lệ nợ so với thu nhập của các hộ gia đình ở Mỹ đang cao hơn nhiều so với hồi thập niên 1980 và 1990.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện nay đã lớn hơn rất nhiều so với cách đây vài thập kỷ, đồng nghĩa với việc nền kinh tế có thể xử lý một khối nợ lớn hơn trước.
Trong quý 2, tỷ lệ nợ hộ gia đình so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đứng ở 76%, theo dữ liệu của FED chi nhánh St. Louis. Con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 100% vào năm 2009.
Lãi suất cho vay ở Mỹ giảm mạnh mấy tháng gần đây do FED hạ lãi suất 3 lần trong 3 cuộc họp liên tiếp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong bối cảnh sức ép từ thương chiến Mỹ-Trung và kinh tế toàn cầu giảm tốc.
"Các số liệu được đưa ra cho thấy các hộ gia đình tranh thủ môi trường lãi suất thấp để vay nợ nhiều hơn", nhà nghiên cứu Donghoon Lee thuộc FED New York nói trong một tuyên bố.
Báo cáo của FED New York cho biết tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng cho dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục. Khoảng 4,8% dư nợ tiêu dùng ở Mỹ bị trễ hạn thanh toán trong quý 3, so với mức 4,4% trong quý 2. Lượng nợ bị quá hạn là 667 tỷ USD, trong đó có 424 tỷ USD quá hạn từ 90 ngày trở lên.
Nợ học tập tiếp tục là một "điểm nóng" trong bức tranh vay nợ của người tiêu dùng Mỹ. Trong quý 3, số nợ học tập bị quá hạn thanh toán hơn 90 ngày hoặc vỡ nợ chiếm 11% trong tổng số 1,5 nghìn tỷ USD của loại nợ này.
Lãi suất thẻ tín dụng ở Mỹ gần đây đã chạm mức 17%, cao nhất trong ít nhất 25 trở lại đây, khiến thẻ tín dụng trở thành một loại hình vay nợ đặc biệt đắt đỏ. Một phần nguyên nhân dẫn tới lãi suất thẻ tín dụng tăng là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà phát hành thẻ để thu hút khách hàng thông qua các chương trình điểm thưởng hấp dẫn.
Theo các chuyên gia, khi ưu đãi càng lớn, thì lãi suất đối với các khoản nợ thẻ càng bị đẩy lên để bù chi phí cho các hãng thẻ, trong khi người tiêu dùng không mấy để ý đến lãi suất của các khoản vay bằng thẻ.
Nguồn: