Quy định này nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tiền đã chuyển nhầm cho người khác hoặc khách hàng bị kẻ gian lợi dụng đánh cắp thông tin tài khoản và chuyển tiền.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho phép phong tỏa tài khoản nếu khách chuyển tiền nhầm
Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay gian lận trong lĩnh vực thanh toán, tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử cũng có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn.
Một trong những thủ đoạn kẻ gian sử dụng phổ biến hiện nay là giả mạo công an, viện kiểm sát, tòa án, hoặc nhân viên ngân hàng... nói khách hàng có liên quan tới các vụ trọng án và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để điều tra, thực chất là để lấy trộm tiền.
Mặc dù rất nhiều ngân hàng đã cảnh báo khách hàng về hành vi gian lận này và yêu cầu khách hàng tuyệt đối giữ bí mật về thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP... nhưng nhiều trường hợp khách hàng vẫn bị kẻ gian lợi dụng và đánh cắp tiền.
Trong khi đó, một số quy định hiện hành về mở và sử dụng tài khoản, phương tiện, dịch vụ, tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán, trung gian thanh toán... cần chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn.
Do vậy, NHNN cho rằng cần bổ sung các chế tài xử lý vi phạm cũng như các quy định hiện hành liên quan để ngăn chặn, phòng ngừa và để lĩnh vực thanh toán được an toàn hiệu quả hơn.
NHNN cũng cho biết thêm, trong quá trình theo dõi việc thực thi các quy định pháp luật về tài khoản thanh toán, xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng chuyển nhầm tiền vào tài khoản người lạ, chuyển nhầm số tiền... Vì vậy, cơ quan này đã bổ sung thêm một số trường hợp được phép phong tỏa tài khoản của khách hàng.
Cụ thể, ngoài các trường hợp như tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật... Trong trường hợp khách chuyển tiền có nhầm lẫn về số tài khoản, số tiền... cũng sẽ được phong tỏa tài khoản nhận để lấy lại tiền.
Tuy nhiên, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán nhận phải đảm bảo không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Ngoài quy định này, tài khoản cũng sẽ bị phong tỏa khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung, hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản với nhau.
Tài khoản sẽ được chấm dứt phong tỏa khi có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán không gian lận hoặc vi phạm pháp luật hoặc khi đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn trong chuyển tiền hoặc tranh chấp giữa các chủ tài khoản chung.
Trong trường hợp việc phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản, bên ra lệnh phong tỏa tài khoản sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo NHNN, quy định này nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tiền đã chuyển nhầm cho người khác. Thậm chí, trong một số trường hợp khách hàng bị kẻ gian lợi dụng đánh cắp thông tin tài khoản và chuyển tiền, nếu phát hiện sớm cũng có thể phong tỏa tài khoản nhận để lấy lại tiền.
Cũng tại dự thảo lần này, NHNN đã bổ sung thêm các hành vi bị cấm liên quan tài khoản thanh toán gồm cho thuê, mượn tài khoản. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản của người khác để hoạt động phi pháp.Nguồn: http://danviet.vn/kinh-te-the-gioi/tien-se-chay-tro-ve-tai-khoan-neu-khach-chuyen-tien-nham-1036...Nguồn: http://danviet.vn/kinh-te-the-gioi/tien-se-chay-tro-ve-tai-khoan-neu-khach-chuyen-tien-nham-1036059.html