Toàn cảnh kết quả kinh doanh năm 2019 của 18 ngân hàng niêm yết

24/11/2024
Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của 18 ngân hàng niêm yết đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018.

Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của 18 ngân hàng niêm yết đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018. Trong đó, 16/18 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương. Chỉ có 2 ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất là Kienlongbank và NCB sụt giảm so với năm 2018.

1 ngân hàng duy nhất có lợi nhuận trên 20.000 tỷ là Vietcombank. Tổng cộng có 7 ngân hàng lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ. 14 ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ. 

Nhìn chung, đa số trong 18 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2018. Trong đó có 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là Vietcombank và ACB. 

Toàn cảnh kết quả kinh doanh năm 2019 của 18 ngân hàng niêm yết - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - HoSE: VCB)

Lợi nhuân trước thuế của Vietcombank năm 2019 đạt 23.122 tỷ đồng, tăng 26,6% so với đầu năm, trở thành ngân hàng Việt đầu tiên có lợi nhuận cán mốc tỷ đô.

Cuối năm 2019, tổng tài sản của Vietcombank đạt trên 1,2 triệu tỷ, tăng 14% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,3% đạt 734.707 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 15,8% đạt 928.413 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống với 262.940 tỷ, tăng 15,9% so với đầu năm. 

Nợ xấu cuối năm của Vietcombank là 5.724 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Theo đó tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,77%, giảm so với mức 0,98% cuối năm 2018. 

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - HoSE: TCB)

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Techcombank đạt 12.838 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018 và vượt xa kế hoạch năm. Theo đó, Techcombank vẫn là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất năm 2019.

Tổng tài sản của ngân hàng tăng 20% đạt 383.699 tỷ đồng. Tổng tín dụng ước tăng gần 20%. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 14,8% đạt 231.297 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank tăng 39% đạt hơn 76.000 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, nợ xấu của Techcombank là 3.077 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,33%, giảm so với mức 1,75% hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng ước tính chỉ ở mức 1,17%.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG)

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của ngân hàng đạt 11.780 tỉ đồng, tăng gần 80% so với năm trước.

Tổng tài sản đến ngày 31/12/2019 ở mức 1,24 triệu tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 8,3% lên 922.330 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,6% đầu năm xuống còn 1,2%. Tiền gửi khách hàng là 892.782 tỷ đồng, tăng 8,1%.

Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV - HoSE: BID)

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của BIDV đạt 10.876 tỷ đồng, tăng 15,8% và vượt 5,6% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.665 tỷ đồng, tăng 15,8%.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản BIDV vượt mức 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 13%, lên gần 1,117 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng 12,6%.

Số nợ xấu nội bảng của BIDV tăng thêm 650 tỷ đồng, tương đương tăng 3,4% lên 19.451 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV giảm từ 1,9% tại thời điểm cuối năm 2018 xuống còn 1,74%.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HoSE: VPB)

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong năm 2019 của ngân hàng đạt mức kỷ lục là 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2018.

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của VPBank là 377.213 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 257.183 tỷ đồng, tăng trưởng 15,86% so với đầu năm. Trong khi đó, huy động vốn đạt 213.949 tỷ đồng, tăng trưởng 25,2%.

Nợ xấu tại VPBank còn 8.800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng cho vay khách hàng xuống còn 3,42%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - HoSE: MBB)

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2019 của MBBank đạt 10.036 tỷ đồng, tăng 29,2% so với năm 2018. Các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều có tăng trưởng trên 2 con số: thu nhập lãi thuần tăng 23%, lãi từ dịch vụ tăng 24%, kinh doanh ngoại hối tăng 45%,....

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản MBBank đạt 411.488 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2018. Cho vay khách hàng tăng 16,6% lên hơn 250.330 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 272.710 tỷ đồng, tăng 13,6%.

Nợ xấu tính đến cuối tháng 12/2019 ở mức gần 2.898 tỷ đồng, tăng 1,3%.  Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khoảng 1,16%, giảm so với mức 1,33% hồi đầu năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - HSX: ACB)

Lãi trước thuế hợp nhất của ACB đạt 7.516 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Tổng thu nhập ngân hàng mẹ tăng 15%, trong đó thu nhập lãi thuần ngân hàng mẹ tăng 17% và thu nhập phí thuần tăng 39%.

Tổng tài sản đến cuối năm ở mức 383.000 tỷ đồng, tăng 16,5%. Tín dụng đạt 266.000 tỷ đồng, tăng 17% và huy động tăng 14% đạt 308.000 tỷ đồng. 

ACB đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng về chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành ở mức 0,54% và tỷ lệ bao nợ xấu 165%.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank - HoSE: HDB)

Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 5.018 tỷ, tăng 25,3% so với năm 2018 cũng là mức cao kỷ lục của ngân hàng này. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.020 tỷ đồng, tăng 25,6%. HDBank ghi nhận tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) đạt hơn 1,8% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 21,6%. 

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đạt 229.477 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 20.381 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm trước. Tổng nguồn vốn huy động đạt 200.262 tỷ đồng, trong đó riêng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 151.021 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2018. 

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB - UPCoM: VIB)

Lợi nhuận trước thuế của VIB năm 2019 đạt 4.082 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2018.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 185 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 133 nghìn tỷ đồng, tổng huy động vốn từ tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 140 nghìn tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 2,2% đầu năm xuống còn 1,7% và không có nợ VAMC.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB)

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của TPBank đạt 3.868 tỷ đồng, tăng 71,3% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.094 tỉ đồng, tăng 71,4%. Trong đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh của TPBank đều có kết quả lạc quan. 

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 164.594 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cuối năm 2018. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh 23,9%, lên hơn 95.640 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 21,4%, đạt 92.440 tỷ đồng.

Nợ xấu ở mức 1.235 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,12% tại thời điểm cuối năm 2018 lên mức 1,29%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - HoSE: STB) 

Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước dự phòng rủi ro) của Sacombank năm 2019 đạt 5.369 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Tuy nhiên do dự phòng trích lập tăng hơn 35% nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn đạt mức tăng 43,2% với 3.217 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 37%, đạt 2.454 tỷ đồng. 

Tổng tài sản của Sacombank tính đến hết ngày 31/12/2019 đạt gần 453.600 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 410.330 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 296.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% hồi cuối năm 2018 xuống còn 1,93%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - HNX: SHB)

Mặc dù tăng trích lập dự phòng lên hơn 2.300 tỷ (tăng 66% so với năm 2018), lợi nhuận trước thuế năm 2019 của SHB vẫn hết sức ấn tượng, đạt 3.077 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2018. Lợi nhuận ròng đạt 2.458 tỷ. 

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của SHB đạt 365.643 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 22,2%, đạt 265.204 tỷ. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 15,2% đạt 259.351 tỷ đồng.

Nợ xấu tại SHB có chuyển biến tích cực khi nợ xấu nội bảng giảm 342 tỷ so với đầu năm xuống còn 4.857 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 2,4% (cuối năm 2018) xuống còn 1,83% (cuối năm 2019).

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - UPCoM: LPB)

Kết thúc năm 2019 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 2.038 tỷ đồng, tăng 68,1% so với năm trước. 

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản ngân hàng tăng 15,4% so với đầu năm, đạt 202.058 tỷ đồng . Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 140.522 tỷ đồng, tăng 17,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 9,5% lên 136.847 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng 20,8% lên hơn 2.000 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay nhích nhẹ lên 1,44%.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - HoSE: EIB)

LNTT năm 2019 của Eximbank đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính của Eximbank năm 2019  là nguồn thu ngoài tín dụng (dịch vụ, mua bán chứng khoán, kinh doanh ngoại hối). Đồng thời, ngân hàng giảm chi phí hoạt động (giảm 6,9% xuống 2.700 tỷ, giảm nhẹ chi phí dự phòng 4,6% xuống 690 tỷ.

Cuối năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng là 167.538 tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,9% đạt 113.255 tỷ, huy động tiền gửi khách hàng tăng 17,3% đạt 139.278 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng tại ngày 31/12/2019 là 1.933 tỷ, tăng 12 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,84% xuống còn 1,7%.

Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank - UPCoM: BAB)

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của BacABank tăng 11,2% so với năm 2018, đạt 936 tỷ đồng. 

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 107.893 tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 72.933 tỷ đồng, tăng 14%. Huy động tiền gửi khách hàng đạt 76.163 tỷ đồng, tăng 5%.

Nợ xấu nội bảng của BacABank tăng 2,5% lên 499 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 0,76% xuống 0,68%. Ngân hàng cũng còn 473 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 373 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - UPCoM: VBB)

VietBank là ngân hàng vừa niêm yết trên UPCoM vào tháng 7/2019. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 613 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, đạt 114% so với kế hoạch.

Cuối năm 2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 68.980 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 105% kế hoạch đề ra. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 40.919 tỷ đồng đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn đạt 51.965 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Nợ xấu nội bảng tăng 21,5% so với cuối năm 2018, lên mức 539 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,25% của năm 2018 lên 1,32%.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - UPCoM: KLB)

Do khoản lỗ khá lớn (120 tỷ đồng) trong quý 4/2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank năm 2019 chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm 204 tỷ đồng, tương đương giảm 70,4% so với năm 2018. Nguyên nhân ngoài việc do thu nhập lãi thuần còn do chi phí hoạt đông và chi phí dự phòng đều tăng khá mạnh. Trong đó, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên 75,3 tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất của Kienlongbank tại thời điểm 31/12/2019 đạt 51.093 tỷ đồng, tăng 20,76% so với năm 2018. Huy động vốn đạt 46.402 tỷ đồng, tăng 23,74% so với cuối năm 2018. Dư nợ cấp tín dụng đạt 33.480 tỷ đồng, tăng 13,60%. 

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - HSX: NVB)

Lợi nhuận trước thuế cả năm của NCB đạt 55 tỷ đồng, giảm 37,3% so với năm 2018 chưa hoàn thành được kế hoạch năm (70 tỷ đồng). Tuy nhiên, do chi phí thuế của cả năm giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế của NCB vẫn ghi nhận tăng trưởng 19% với hơn 43 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 80.394 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm; vốn điều lệ đạt 4.102 tỉ đồng, tăng 36,2%. Tăng trưởng cho vay trong cả năm đạt 7,5% với số dư cho vay khách hàng là 37.910 tỉ đồng, số dư huy động đạt 59.095 tỉ đồng, tăng 25,3%.

Nguồn: