TS Nguyễn Quốc Hùng: Dư địa hỗ trợ của các ngân hàng còn rất nhỏ, tiền gửi của người dân đang có sự sụt giảm

22/11/2024
Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, dư địa của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì phải đi cùng giảm lãi suất huy động. Nhưng nếu giảm lãi suất huy động thì ảnh hưởng tới tính thanh khoản.

Tại Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều nay 27/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng. 

Ngay khi dịch bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành yêu cầu các tổ chức tín dụng tạm thời chưa chuyển nhóm nợ, sau đó ban hành chính thức Thông tư 01/2020/TT-NHNH về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3, mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01. 

Vị Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, các hoạt động hỗ trợ hiện nay mà ngành ngân hàng đang làm, bản chất là doanh nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm lãi giảm phí. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32.000 tỷ đồng. Đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/2021 là 5,2 triệu tỷ đồng.

Riêng thời gian thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ các doanh nghiệp đã giảm được 12.600 tỷ đồng, giảm từ tháng 7 đến nay. Chưa kể 4.000 tỷ đồng là 4 ngân hàng đã cam kết sẽ tiếp tục giảm trong đợt dịch lần thứ 4. Cùng với đó là 1.800 tỷ đồng là giảm phí cho các doanh nghiệp.

Ông Hùng cho rằng, các tổ chức tín dụng phải loại rủi ro cho các doanh nghiệp khi được cơ cấu nợ, cùng với đó phải trích dự phòng rủi ro 30% ngay từ đầu năm 2021, do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng gây khó cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, dư địa của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Thực tế người dân gửi tiền vào ngân hàng đang có sự sụt giảm. Có thể thấy người dân sẽ đầu tư vào các kênh khác và các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn trong huy động vốn. 

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng phải cơ cấu nợ, giảm lãi vay, giảm phí cho các doanh nghiệp… vòng quay đồng tiền khó khăn hơn, tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng bị ảnh hưởng nếu không linh hoạt. Vì vậy nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì phải đi cùng giảm lãi suất huy động. Nhưng nếu giảm lãi suất huy động thì ảnh hưởng tới tính thanh khoản … các tổ chức tín dụng đã hết dư địa, hoặc còn rất nhỏ. 

Về giảm phí, hiện một số tổ chức tín dụng có mức phí cao, do đó, Hiệp hội ngân hàng sẽ kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và giảm phí cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tổng thể, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần chính sách đồng bộ cũng như cần sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ."Cần chính sách tài khoá bằng tiền thật cho doanh nghiệp, nhiều quốc gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách phải tạo nguồn thu cho doanh nghiệp", ông nói. 

Theo đó, vị chuyên gia đề xuất các giải pháp để mở rộng hỗ trợ từ phía tài khóa như Chính phủ tăng "vay tiền" ngân hàng trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu qua đó có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng là các doanh nghiệp, do đó, mong các doanh nghiệp cùng đồng hành chia sẻ khó khăn lẫn nhau.

Nguồn: