Vàng đạt mức đỉnh hơn 6 năm: Cơ hội đầu tư hay rủi ro khó lường?

27/11/2024
Trong hơn 2 tháng trở lại đây, giá vàng trong nước đã tăng tốc theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Kim loại quý đã lần lượt vượt qua các mốc 38 - 39 triệu đồng/lượng rồi nhanh chóng vọt qua mốc 40 triệu đồng/lượng, thậm chí còn vượt mốc 43 triệu đồng/lượng vào ngày 26/8. Câu hỏi được đặt ra lúc này là vàng có còn cơ hội hấp dẫn để đầu tư?

Sự bất ổn xoay quanh cuộc thương chiến Mỹ - Trung cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm là những nhân tố khiến giá vàng thế giới ở mức đỉnh trong 6 năm. Qua đó, kéo theo giá vàng trong nước lên mức cao nhất trong hơn 6 năm qua.

Phiên cuối cùng của tháng Tám, giá vàng trong nước giảm nhẹ theo đà giảm của giá vàng thế giới. Dù vậy, kim loại quý trong nước đã ghi nhận tháng tăng thứ 3 liên tiếp và đang ở mức cao nhất trong hơn 6 năm.

Cuối giờ chiều nay (31/8), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 42,25 - 42,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được niêm yết giá mua vào - bán ra tương ứng ở mức 42,15 - 42,55 triệu đồng/lượng, giảm 180.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 130.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, vàng SJC được niêm yết ở mức 42,1 - 42,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với giá đóng cửa hôm qua.

Tính từ đầu năm đến nay, kim loại quý trong nước đã tăng khoảng 6 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 16%. Mức tăng này diễn ra chủ yếu từ cuối tháng 6, riêng trong tháng 8 giá vàng SJC tăng gần 3 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 7%.

Giới kinh doanh vàng cho biết, mặc dù giá vàng tăng phi mã nhưng thị trường hầu như vắng bóng nhà đầu tư. Những rủi ro trên thị trường đã khiến người "chơi vàng" trở nên thận trọng. Tăng phi mã, nhưng giảm cũng đột ngột khiến nhà đầu tư vàng không dám mạo hiểm nên có người ví đầu tư vàng thời điểm này chẳng khác nào "bắt dao rơi".

Anh Lê Văn Tạo, một người dân ở khu đô thị Định Công, Hà Nội cho biết, anh vừa bán gần 10 lượng vàng để chốt lời với giá 42,55 triệu đồng/lượng vào thời điểm vàng trong nước tăng cao nhất hôm 26/8.

Anh tính toán, mua vàng vào thời điểm 36 triệu đồng/lượng suốt mấy năm qua, giờ giá vàng tăng mạnh là thời điểm hợp lý để bán chốt lời. Mặc dù vừa được giá và có lời so với lúc mua, nhưng tính ra với số tiền ấy nếu đem gửi ngân hàng vẫn hiệu quả hơn.

"Tôi từng lướt sóng đầu cơ vàng những năm 2011 - 2013, song nay không dám "chơi vàng" bởi rủi ro luôn rình rập. Thực tế, tôi mua vàng ở thời điểm 36 triệu đồng/lượng, suốt gần 5 năm mới có cơ hội bán chốt lời và tính ra lời lãi chẳng bao nhiêu. Hơn nữa vàng trong giai đoạn này tăng mạnh và diễn biến khó lường nên đầu tư vàng bây giờ không phải là lựa chọn khôn ngoan", anh Tạo nói.

Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, người dân cần hết sức thận trọng nếu đầu tư vào vàng lúc này. Vàng đã lên cao thì cũng có khả năng rớt mạnh nên càng không nên đầu tư lướt sóng. Về dài hạn, vàng có thể sẽ tăng nhưng rủi ro khá lớn, do đó không nên dồn hết tiền vào kim loại quý.

Trên thực tế, giá vàng thế giới những ngày qua luôn có những diễn biến tăng, giảm đột ngột. Đơn cử, phiên sáng 26/8, giá vàng châu Á đã vọt lên mức cao nhất 6 năm qua, trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô sang các tài sản an toàn. Tuy nhiên, sang phiên chiều cùng ngày, kim loại quý đã nhanh chóng trượt dốc do nhu cầu trú ẩn an toàn yếu đi, sau khi Mỹ và Trung Quốc phát tín hiệu “xuống thang” cuộc chiến thương mại.

Hoặc trong phiên giao dịch ngày 13/8, giá vàng thế giới giảm tới 2% từ mức cao nhất 6 năm trong phiên trước đó, sau khi Mỹ cho biết nước này sẽ hoãn áp thuế đối với nhiều sản phẩm của Trung Quốc và hai bên đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại song phương.

Giá vàng trong nước luôn bám sát diễn biến thế giới và liên tục trồi sụt theo nhịp tăng giảm của thị trường thế giới. Có thời điểm vàng trong nước tăng từ 600.000 - 700.000 đồng/lượng chỉ trong 1 ngày.

Ngược lại giá vàng trong nước cũng có những phiên trượt dốc mạnh theo đà giảm của giá vàng thế giới. Ở những thời điểm giá vàng tăng giảm đột ngột thiếu ổn định, giới kinh doanh vàng thường nới rộng chênh lệch mua bán và người chịu thiệt lớn chính là khách hàng.

Thực tế thị trường vàng trong hơn 2 tháng qua cho thấy, dù có thời điểm vàng trồi sụt rất nhanh và giới kinh doanh vàng đã phải nới rộng khoảng cách giữa mua và bán.

Tuy nhiên, đợt biến động lần này, các doanh nghiệp kinh doanh vàng hầu như không phải "mạnh tay", họ chỉ nới rộng chênh lệch mua - bán từ 500.000 - 600.000 đồng/lượng. Trong khi thời điểm "sốt vàng" những năm 2011 - 2013 chênh lệch giữa mua và bán có thời điểm lên tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng.

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến này cho thấy thị trường đã thực sự trầm lắng và không còn những giao dịch đột biến. Việc các doanh nghiệp không phải điều chỉnh quá lớn chênh lệch mua và bán cho thấy người dân đã không còn hào hứng với kim loại quý.

Như vậy, cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm các thị trường “chao đảo”, nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn vào vàng theo đó đã tăng lên.

Sau khi tạo đáy ở gần 1.000 USD/ounce vào những ngày đầu năm 2016, giá vàng thế giới đã đảo chiều và thiết lập xu hướng tăng trở lại. Một số nhà phân tích có quan điểm lạc quan nhận định vàng đang trên đà hướng tới mức cao kỷ lục 2.000 USD/ounce. Song thời điểm để giá vàng đạt được mốc trên vẫn không chắc chắn và kim loại quý này cần có nhiều trợ lực hơn nữa để đạt mục tiêu.

Trong dài hạn, các nhà đầu tư thế giới vẫn đang đứng trước cơ hội rất lớn ở thị trường này. Nhà báo Brien Lundin của ấn phẩm lâu đời nhất thế giới chuyên về thị trường vàng Gold Newsletter cho biết, nhu cầu về vàng hiện đang rất mạnh mẽ. Ngay cả khi các yếu tố ngắn hạn như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dâng cao hay lắng dịu, giới đầu tư dài hạn tin tưởng rằng các vấn đề như đồng tiền mất giá và tình hình địa chính trị khác sẽ tiếp tục tác động đến thị trường vàng.

Sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã góp phần giúp giá vàng tăng hơn 100 USD trong tháng Tám.

Nguồn: