Đến đầu giờ chiều 17-8, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 41,5 triệu đồng/lượng, bán ra 41,9 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 300.000 đồng/lượng so với ngày trước.
Một số doanh nghiệp khác tại TP HCM, giá vàng được giao dịch cao hơn, quanh mức 41,55 triệu đồng/lượng mua vào, 41,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, Tập đoàn DOJJ giao dịch giá vàng SJC ở mức 41,5 triệu đồng/lượng mua vào, 42,2 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên trước. Khoảng cách chênh lệch giá mua vào – bán ra được giãn rộng lên tới 700.000 đồng/lượng, mức chênh lệch rất lớn trong nhiều ngày qua.
Giá vàng biến động mạnh nhưng thị trường khá trầm lắng, nhu cầu mua vàng trên thị trường ở mức thấp, kể cả vàng trang sức và vàng miếng. Giá vàng trong nước đang thấp hơn giá thế giới từ 300.000 – 500.000 đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn trơn các loại cũng ngang bằng với giá vàng SJC, thấp hơn giá thế giới. Theo một số chuyên gia vàng, dù giá vàng trong nước tăng cao nhưng sức cầu trên thị trường lại yếu, kể cả vàng trang sức.
"Giá vàng biến động mạnh, ở mức cao nên người mua vàng trang sức cũng ngại, trong khi mua vàng miếng cũng rủi ro không kém khi doanh nghiệp để biên độ giá mua - bán chênh lệch quá lớn. Thị trường chủ yếu sôi động về giá" – vị chuyên gia này bình luận.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.512 USD/ounce, giảm khoảng 10 USD mỗi ounce so với phiên trước. Dù giảm nhẹ khi chốt tuần giao dịch nhưng giới phân tích cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới, và mốc tiếp theo của giá vàng là 1.600 USD/ounce.
Trong khi đó, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.120 đồng/USD, không thay đổi so với ngày trước. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục ổn định quanh mức 23.150 đồng/USD mua vào, 23.270 đồng/USD bán ra.
Nguồn: