Nỗi sợ hãi và tác động kinh tế bởi coronavirus lan rộng đã được so sánh với cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một nhà kinh tế nói rằng trường hợp này có yếu tố của cả 2 và thậm chí giống với sự cố Y2K khi bắt đầu thiên niên kỷ mới.
Kinh tế trưởng tại iTrust Capital - Tim Shaler nói rằng, tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện đáng kể trong tuần này sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn và thượng viện Mỹ đã đạt được thoả thuận về gói viện trợ 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Tim Shaler, nền kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi nguy hiểm.
Shaler nói thêm rằng, trong môi trường kinh tế hiện tại, vàng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong danh mục đầu tư.
Cuộc khủng hoảng rồi sẽ có hồi kết - chắc chắn sẽ kết thúc, nhưng vấn đề là khi nào và tất cả những hành động tích trữ tiền mặt sẽ dẫn đến lạm phát. Khối lượng chi tiêu khổng lồ của Fed và chính phủ Hoa Kỳ cũng dẫn đến các rủi ro về lạm phát sau khủng hoảng.
Và do đó, vàng là tài sản có giá trị dài hạn, là hàng rào chống lại việc các đồng tiền bị mất giá.
Trên thế giới, sau khi phục hồi cách đây 2 hôm, vàng không giữ được đà tăng mà chỉ dao động quanh mức 1.600 USD/ounce. Lúc 8h30 (ngày 26/3 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng ở 1.603,4 USD/ounce, giá vàng giao tháng 4 là 1.631 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá bán tại Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương với 45,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước khoảng 1,6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, mở cửa sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống, tuy nhiên mức điều chỉnh chỉ từ 50-200 nghìn đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua.
Giá vàng SJC tại DOJI giảm 200 nghìn đồng/lượng xuống 46,65-47,05 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý giảm 100 nghìn đồng/lượng xuống còn 46,6-47,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng bạc đá quý Phú Nhuận chưa điều chỉnh, vẫn giữ mức niêm yết cuối ngày hôm qua là 46,3-47,3 triệu đồng/lượng.
Nguồn: