Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào thời điểm này?

27/11/2024
Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm 0,25% đối với loạt lãi suất điều hành từ ngày 16/9/2019. Vì sao không sớm hay muộn hơn mà lại ở thời điểm này? Việc hạ lãi suất sẽ có tác động tới nền kinh tế như thế nào trong thời gian tới?

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Theo đó, kể từ ngày 16/9/2019, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm. Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Đây cũng là lần điều chỉnh lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN kể từ tháng 10/2017.

Trên thực tế, từ cách đây 2 tháng, khi làn sóng giảm lãi suất trên thế giới bắt đầu lan rộng, khả năng NHNN giảm lãi suất điều hành cũng đã được nhiều chuyên gia tài chính đưa ra dự báo. Thời điểm đó, nhiều nhận định cho rằng sẽ chưa có chuyển biến gì cho đến hết năm nay. Thậm chí trả lời trên Thời bảo ngân hàng - tờ báo của Ngân hàng Nhà nước - hồi cuối tháng 8, đại diện NHNN, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng từng cho biết vẫn sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành.

"Theo thống kê của chúng tôi, năm 2018, có tới 87 lượt tăng lãi suất từ NHTM các nước trên toàn cầu, nên khi họ giảm trở lại mặt bằng cũ thì chúng ta phải bình tĩnh xem xét đánh giá có cần phải điều chỉnh không. Vì hiện tại tất cả cân đối vĩ mô của Việt Nam đều ổn. Tín dụng tăng theo đúng mục tiêu, tỷ giá gần như không tăng", ông Hà nói cách đây 1 tháng. 

Thế nhưng vì sao bỗng dưng NHNN lại thay đổi và quyết định hạ lãi suất vào thời điểm này?

Trong thông báo giảm lãi suất điều hành, NHNN giải thích, giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Còn trong giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành.

Trao đổi chúng tôi, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, ông không bất ngờ với quyết định này bởi đây là động thái phù hợp ở thời điểm hiện tại. Vị chuyên gia này chỉ ra 3 lý do chính.

Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất. Trong đó, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) nhiều khả năng cũng sẽ giảm lãi suất thời gian tới. Nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi cũng đã giảm lãi suất. 

Thứ hai, ở thời hiện tại và cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất.

Thứ ba, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.

Bình luận về việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới, ông Cấn Văn Lực cho rằng sẽ cần có lộ trình và độ trễ nhất định. Vì khi các TCTD vay từ NHNN, có thể vay dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm,…chỉ ở những trường hợp nhất định ví dụ như có các gói tín dụng mà NHNN yêu cầu phải ưu tiên, hỗ trợ,…Nếu các NHTM tham gia các gói hỗ trợ đó thì sẽ được vay tái cấp vốn từ NHNN với lãi suất thấp hơn một chút và đương nhiên, mức vay sẽ không nhiều.

"Sẽ có tác động tích cực nhưng cũng cần có độ trễ và thẩm thấu dần. Sự thẩm thấu này khả năng sẽ phải đến cuối năm hoặc sang năm", ông Cấn Văn Lực nhận định.

Ngoài ra, về cơ bản, lãi suất điều hành giảm sẽ có tác động gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát, nhưng không đáng kể. Vì mức độ các TCTD được vay tái cấp vốn từ NHNN là không nhiều, mức giảm lãi suất cũng nhỏ, chỉ 0,25%. Trong bối cảnh VND ổn định trong thời gian qua thì áp lực nếu có thì rất ít.

Nguồn: