Vì sao tín dụng nửa cuối tháng 6 tăng trưởng... "thần tốc"?

25/11/2024
Đến 10/6 tín dụng toàn hệ thống mới tăng trưởng 5,75%, tại ngày 18/6 là 6,22% nhưng cuối tháng đã đạt 7,33% - cao hơn cùng kỳ năm 2018...

Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%, nhỉnh hơn chút ít so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực với sự đóng góp tăng trưởng cao từ lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo và xuất khẩu.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật số liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng đến 10/6 đạt 5,75% và số liệu từ Tổng cục Thống kê tại ngày 18/6 là tăng 6,22%. Như vậy, con số đạt được 7,33% vào cuối tháng là rất ấn tượng, cho thấy có sự tăng tốc đáng kể trong nửa cuối tháng.

Bên cạnh đó, tại buổi tổng kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm, NHNN cập nhật thêm một số liệu nữa liên quan tín dụng đó là chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ còn 1,91% vào cuối quý 2 vừa qua - thấp hơn rất nhiều mức 2,03% tại thời điểm cuối quý 1.

Câu hỏi đặt ra là, vậy vì sao tín dụng tháng 6 vừa qua lại tăng trưởng nhanh đến như vậy? Liệu đà tăng trưởng này có được duy trì và cả năm sẽ như thế nào? Nợ xấu do đâu mà hạ nhanh?... Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực.

PV: Thưa ông, tín dụng ngày 10/6 mới tăng 5,75% nhưng chỉ sau 20 ngày đã lên đến 7,33% tức thêm tới 1,58 điểm, vậy động lực tăng trưởng ấy đến từ đâu?

TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi có 2 lý do khiến tín dụng tăng trưởng như vậy.

Một là yếu tố thời vụ. Thường vào cuối mỗi quý, đặc biệt là cuối giai đoạn 6 tháng đầu năm, các ngân hàng, doanh nghiệp đi vay sẽ chốt hợp đồng, chốt sổ sách để đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh nửa năm, tạo đà bước tiếp cho 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết còn phải kiểm toán báo cáo tài chính, do vậy kết quả của 6 tháng là rất quan trọng đối với cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và bản thân tổ chức tín dụng. 

Thứ hai là, trong quý 2 vừa qua có một số ngân hàng đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn. Thực hiện theo cam kết đưa ra trước đó, NHNN đã chính thức cấp quota thêm cho các ngân hàng (trước đây chưa giao chỉ tiêu), đồng thời các ngân hàng đó cũng đã sẵn sàng tín dụng để đẩy ra khi được cấp quota nên khi được "nhận quà" là họ đẩy luôn tín dụng ra thị trường.

Tuy nhiên mức 7,33% đạt được trong 6 tháng chỉ nhỉnh hơn chút so với cùng kỳ năm trước, không có gì đáng quan ngại hay phải kiểm soát bớt, nó phù hợp diễn biến hiện nay cũng mục tiêu cả năm.

PV: Bên cạnh các ngân hàng vừa được cấp thêm tín dụng bắt đầu tăng đẩy vốn ra thị trường vào cuối quý 2 thì dự kiến sắp tới sẽ có thêm vài ngân hàng đáp ứng được Basel II tức là NHNN cũng sẽ phải cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các nhà băng đó. Theo ông dòng tín dụng được cấp thêm này liệu có đẩy nguồn vốn cho vay của toàn hệ thống tiếp tục tăng nhanh hơn và vượt quá kế hoạch tăng trưởng 14% của cả năm?

TS. Cấn Văn Lực: Mức cấp tín dụng cho các đơn vị hoàn thành Basel II, giả sử nếu có, thì cũng không đáng kể bởi các ngân hàng này chỉ ở quy mô mức vừa và nhỏ, không thấm vào đâu so với toàn hệ thống. Tôi tin rằng NHNN sẽ kiểm soát tốt mục tiêu tín dụng tăng trưởng ở mức 14%.

PV: Nợ xấu cũng đã giảm mạnh về mức 1,91% từ mức 2,03% cách đây 3 tháng, liệu có phải nó cũng giảm theo yếu tố thời vụ và chốt sổ sách như tín dụng?

TS. Cấn Văn Lực: Kết quả này cũng phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi theo lộ trình tái cơ cấu, nợ xấu phải giảm dần dần, để cuối năm nay nợ xấu nội bảng dưới 2% và nợ xấu gộp (tức là nợ nội bảng, cùng nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC) về dưới 5% theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, mà muốn như vậy thì nợ xấu phải có đà giảm từ nay.

Ngoài ra nợ xấu giảm còn bởi các ngân hàng có tiềm lực để tự xử lý các khoản nợ tồn đọng. Hơn nữa, họ cũng đang chú trọng hơn trong việc kiểm soát rủi ro để hạn chế nợ xấu quá nhanh như từng xảy ra trong quá khứ. Đó là chưa kể một trong các yêu cầu của Basel II là các ngân hàng phải kiểm soát chất lượng tín dụng nhiều hơn, nên nợ xấu cũng phải ở mức thấp dần.

PV: Tín dụng đang tăng trưởng tốt hơn cả huy động vốn, vậy theo ông áp lực hút vốn của các ngân hàng 6 tháng cuối năm có tiếp tục tăng?

TS. Cấn Văn Lực: Về thanh khoản thì hiện vẫn rất tốt, không có áp lực gì khiến các ngân hàng phải chạy đua huy động vốn. Tuy nhiên tôi cho rằng không ít ngân hàng sẽ bị áp lực huy động vốn ở kỳ hạn trung và dài hạn vẫn tiếp tục tăng lên bởi hai lý do. Một là hệ thống đang phải theo lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, và hai là để tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng chuẩn basel II. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Nguồn: