Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, nhà máy ngành công thương đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ công việc của các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty liên quan.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, các dự án của Vinachem mặc dù đã tái hoạt động hiệu quả nhưng tiếp tục gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh vì thỏa thuận với ngân hàng thương mại "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" sau mỗi chu kỳ sản xuất.
Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc 3 năm liền chạy công suất đạt 93%. Năm nay, giá đạm thấp nhưng vẫn cao hơn biến phí 1.000 đồng/kg, dôi ra 250 tỷ đồng. Còn Nhà máy đạm Ninh Bình trong nửa đầu năm 2019 đã vượt kế hoạch sản xuất năm 2018 và tiêu thụ 100% khối lượng. Tuy nhiên, Vinachem vẫn phải trả nợ thay cho các dự án, nhà máy này, như nhà máy đạm Ninh Bình là hơn 700 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Do vậy, ông Cường đề nghị ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay lưu động có lãi suất thấp hơn và khoanh nợ để các dự án, nhà máy này tiến triển hơn.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thái Sơn cho rằng, mức lãi suất mà ngân hàng thương mại cho vay các dự án yếu kém là "ưu đãi lớn nhất" so với các dự án, doanh nghiệp khác. "Đạm Ninh Bình có khoản lãi suất lưu động xuống dần còn 7%/năm, trung bình là 8%/năm nên ngân hàng gần như không có lãi. Đạm Hà Bắc là 6-7%/năm lãi suất trung và dài hạn", ông Sơn nói.
Về việc phân loại nhóm nợ để tiếp tục cho vay, ông Sơn cho biết chỉ còn cách Chính phủ ra Nghị quyết cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án, nhà máy thì mới triển khai được.
Nguồn: