Vừa đẩy mạnh phát hành mới, vừa tích cực mua lại trái phiếu: Các ngân hàng đang suy tính gì?

25/11/2024
Vietcombank, VietinBank, BIDV, HDBank và một loạt ngân hàng đang tích cực thay thế các khoản nợ trái phiếu cũ bằng các khoản nợ mới...

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống mức thấp lịch sử, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành trong các năm trước và thay thế bằng các đợt trái phiếu mới.

Vietcombank mới đây thông báo mua lại trước hạn gần 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2016. Đây là các loại trái phiếu kỳ hạn 10 năm được phát hành nhằm mục đích mở rộng nguồn vốn cho vay trung dài hạn và đa dạng hóa kênh huy động vốn của ngân hàng. Thời gian thực hiện quyền mua lại trái phiếu là trong tháng 10, 11 và 12/2021.

Song song với động thái mua lại trước hạn, HĐQT Vietcombank cũng vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 với quy mô tối đa 4.000 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn tối thiểu 7 năm và tối đa 10 năm với lãi suất cố định hoặc thả nổi.

Tại BIDV, ngân hàng vừa thông báo sẽ mua lại trước hạn 500 tỷ đồng trái phiếu trong ngày 12/11. Đây một phần trong kế hoạch mua lại toàn bộ danh mục trái phiếu tăng vốn theo quyền mua lại trước hạn trong năm 2021 với tổng mệnh giá là hơn 17.700 tỷ đồng.

Ở phía ngược lại, nhà băng này cũng phát hành mới gần 18.800 tỷ trái phiếu trong 9 tháng đầu năm. Riêng quý III, BIDV cung ứng ra thị trường 11.500 tỷ đồng, đứng đầu ngành ngân hàng về lượng trái phiếu phát hành mới.

Cuối tháng 9, VietinBank cho biết đã thực hiện mua lại 2.000 tỷ trái phiếu kỳ hạn 7 năm vừa mới phát hành năm 2019. Trước đó, ngân hàng này cũng đã mua lại trước hạn 400 tỷ đồng trái phiếu tương tự vào cuối tháng 8.

Đi cùng với hoạt động mua lại trước hạn, VietinBank cũng liên tục huy động trái phiếu mới với 19 đợt phát hành riêng lẻ. Đồng thời, ngân hàng này cũng đang nhận tiền đăng ký mua trong đợt phát hành ra công chúng 10.000 tỷ trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 10 năm.

Không chỉ các ‘’ông lớn’’ gốc quốc doanh, các ngân hàng tư nhân cũng rất tích cực mua lại trước hạn trái phiếu cũ và đẩy mạnh phát hành trái phiếu mới.

Hồi giữa năm, HDBank thông báo sẽ mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành. Thời gian dự kiến mua lại từ ngày 25/5-10/6/2021. Đồng thời, Hội đồng quản trị HDBank chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu lần 1 năm 2021 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành lần 2 năm 2021.

Trước đó, HDBank cũng đã thực hiện mua lại trước hạn 8.520 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2020 và phát hành mới gần 14.000 tỷ trái phiếu.

Tương tự, ACB, LienVietPostBank, SeABank cũng thông báo mua lại trước hạn hàng trăm, nghìn tỷ đồng trái phiếu cũ và huy động thêm hàng nghìn tỷ trái phiếu mới trong năm nay.

Theo giới chuyên môn, trong bối cảnh lãi suất phát hành trái phiếu có xu hướng giảm mạnh, việc các ngân hàng thay thế nợ cũ bằng các khoản nợ mới với lãi suất thấp hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hoạt động tái cơ cấu nợ này nhằm tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào cũng như hạn chế rủi ro lãi suất trong tương lai.

Số liệu của Chứng khoán MBS cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng đã huy động được 143.000 tỉ đồng trái phiếu với mức lãi suất bình quân chỉ ở mức 4,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 6,6% của cùng kỳ 2020 và 6,71% của cùng kì 2019.

Thực tế như trong đợt mua lại 2.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn mới đây của VietinBank, số trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm với có lãi suất thả nổi xác định bằng lãi suất tham chiếu + biên độ 1%. Trong khi lượng trái phiếu phát hành mới phát hành có kỳ hạn 8 năm nhưng chỉ có lãi suất áp dụng bằng lãi suất tham chiếu + biên độ 0,9%.

Nói về nguyên nhân đưa ra quyết định mua lại trước hạn trái phiếu, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết ngân hàng có nguồn vốn dồi dào với chi phí huy động thấp hơn nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu các năm trước. Do vậy, việc chủ động mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành sẽ giúp ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm chi phí vốn.

Nguồn: