Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt trên trạng thái "Bình thường mới" – Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020 vào ngày 6/1 tới đây tại Tp. Hồ Chí Minh. Hội thảo lần này quy tụ được trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế ở cả 2 miền Nam, Bắc để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Thế giới và Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới” diễn ra thường xuyên hơn
Báo cáo từ Ban tổ chức phát đi cho biết, trong năm 2019, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đã tạo ra sự bất định chính sách có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, xuyên suốt năm 2019, các hiện tượng trước đây được xem là bất thường của nền kinh tế toàn cầu đã xảy ra thường xuyên hơn và được biết đến như những điều “bình thường mới”.
Song hành với diễn biến “bình thường mới” toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều chuyển đổi sang “trạng thái mới”. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu.
“Tình trạng mới” không chỉ diễn ra trên bình diện nền kinh tế mà còn thể hiện qua hoạt động điều hành của NHNN. NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ (riêng năm 2019 mua được mức kỷ lục 20 tỷ USD), tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay (gần 80 tỷ USD và gấp 6 lần năm 2011) nhưng lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp ổn định.
Hơn thế nữa, Việt Nam không hề có dấu hiệu nào của việc dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với các đối tác thương mại cũng như không can thiệp có chủ đích để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Nói cách khác, Việt Nam không liên quan đến thao túng tiền tệ. Đối chiếu với các khuyến nghị của khuôn khổ “Quản lý dòng vốn nước ngoài” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc NHNN thực hiện mua vào ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn phù hợp.
Nhìn về tương lai 2020, xu hướng "bình thường mới" của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước cũng được hỗ trợ bởi mặt bằng giá cả thấp trên thị trường quốc tế. Lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ chững lại.
Tuy nhiên, tình trạng "bình thường mới" này cũng đặt nền kinh tế Việt Nam trước các rủi ro tài chính xuất phát từ sự lạc quan quá mức về triển vọng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng khá đồng thời lạm phát và lãi suất dài hạn kỳ vọng ở mức thấp. Bên cạnh đó, vẫn có những thách thức trong quá trình Việt Nam phát triển vượt bẫy thu nhập trung bình như tắc nghẽn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ, EU, và quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU có nguy cơ tạo ra những cú sốc thương mại đối với một nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam.
Hội thảo kinh tế vĩ mô ngày 6/1/2020 quy tụ các chuyên gia hàng đầu như Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; GS. TS. Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM; GS.,TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; TS. Trương Văn Phước – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; TS. Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM; TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa tài Chính Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM; TS.LS. Bùi Quang Tín – Phụ trách Phòng TVTS & PTTH Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM.
Nguồn: