Gần đây, trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện bài quảng cáo của 1 page mà nếu chỉ nhìn qua ai cũng nghĩ rằng đây là fanpage của 1 ngân hàng thương mại nổi tiếng. Không chỉ sử dụng tên và logo của ngân hàng, fanpage giả mạo này còn tự xưng là "ngân hàng hỗ trợ người nghèo" - nhắm vào những người đang có khó khăn về tài chính, đang cần tiền.
Page với ảnh đại diện của ngân hàng Vietcombank
Đổi 1 triệu lấy 10 triệu?
Dựa vào cái tên của fanpage và logo giống hệt của Vietcombank, bài viết này dễ dàng gây chú ý với người dùng mạng. Đáng chú ý hơn cả là dòng quảng cáo viết sai chính tả 'TIỀN LỖI SỐ SERRI 1 TRIỆU = 10 TRIỆU', cùng thông điệp đầy tính nhân văn: 'Giúp đỡ người nghèo là trách nhiệm của chúng tôi'.
Tuy nhiên, khi bấm vào liên kết được đính kèm với bài đăng đang được chạy quảng cáo rầm rộ trên Facebook, người dùng sẽ được chuyển tới một website 'lạ'.
Giao diện trang web này đen thui, nhếch nhác, không có chút nào giống của ngân hàng.
Đường link dẫn tới 1 page nhận đổi tiền lỗi seri.
Bên dưới dòng quảng cáo được lặp lại như trên Facebook, vẫn viết sai chính tả: 'TIỀN LỖI SỐ SERRI 1 TRIỆU = 10 TRIỆU', người dùng được yêu cầu điền các thông tin cá nhân bao gồm tên, số điện thoại và địa chỉ giao hàng, đăng ký số tiền và loại mệnh giá muốn nhận nếu có nhu cầu 'đổi tiền'.
Ngoài ra không có bất cứ thông tin nào khác của bên 'cung cấp dịch vụ'.
Không những thế, ở trang web mà đường link trên fanpage này dẫn đến, khi truy cập vào liên tục xuất hiện những thông báo về việc có người mới tham gia quy đổi tiền.
Những thông báo này, dù là thật hay do chủ website tự tạo ra thì việc nó xuất hiện cũng không nằm ngoài mục đích tạo tâm lý kích thích cho người truy cập, khiến họ cảm thấy yên tâm khi đã có nhiều người giao dịch thành công trước đó.
Liên tục xuất hiện thông báo về người vừa mới đổi tiền.
Với những thông tin hết sức mập mờ nói trên, có thể khẳng định fanpage này không đại diện cho ngân hàng mà chỉ đang lợi dụng tên và thương hiệu của ngân hàng để lôi kéo người dùng mạng nhằm thực hiện một ý đồ đen tối nào đó.
Không ít ý kiến nhận định, 'tiền lỗi serri' mà fanpage này quảng cáo có thể chính là tiền giả. Việc mạo danh ngân hàng là chiêu trò tâm lý mà các đối tượng tạo ra nhằm tạo sự tin tưởng với những người nhẹ dạ, hoặc những người đang gặp khó khăn về tài chính 'không biết bấu víu vào đâu'.
Trong trường hợp này, một khi 'đổi 1 triệu lấy 10 triệu' thành công, người dùng đã vi phạm pháp luật liên quan tới 'quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả'.
Liên quan tới sự việc, trao đổi với chúng tôi, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Vietcombank cho hay mọi thông tin có trên và liên quan tới fanpage 'Ngân hàng hỗ trợ người nghèo Vietcombank' là giả mạo, không có bất cứ liên hệ nào với Vietcombank.
Vietcombank đề nghị người dùng không cung cấp bất cứ thông tin, không thực hiện bất cứ giao dịch nào nhằm tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.
Đại diện Vietcombank cho biết thêm, bên cạnh vụ việc vừa đề cập ở trên, thực tế đã có rất nhiều hình thức lừa đảo khác trên không gian mạng nhằm mục đích xấu, như ăn cắp mật khẩu và thông tin cá nhân của khách hàng. Sau khi nắm bắt tình hình, phía ngân hàng đã có khuyến cáo gửi tới các khách hàng.
Theo Điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
- Với hành vi làm tiền giả, người phạm tội có thể tham gia vào toàn bộ quá trình làm tiền giả hoặc có thể chỉ là một công đoạn của quá trình đó.
- Tàng trữ tiền giả là hành vi cất giữ trái phép trong nhà, trong người hoặc ở một nơi nào đó (như cơ sở kinh doanh, vườn…) các loại tiền giả.
- Vận chuyển tiền giả là hành vi vận chuyển tiền giả từ địa điểm này đến địa điểm khác trái với quy định của pháp luật. Hành vi vận chuyển tiền giả có thể được thực hiện bằng bất kì hình thức nào như mang theo người, chuyển qua đường bưu điện, tầu hỏa, máy bay…
- Hành vi lưu hành tiền giả là hành vi mua đi bán lại các đối tượng đó dưới bất kì hình thức nào như mua bán theo nghĩa thông thường, trao đổi, thanh toán bằng tiền giả.
Tuy nhiên, việc đăng tải bán tiền giả nếu đưa ra các thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Nguồn: