Các ngân hàng có thể mất hàng tỷ USD doanh thu và quay cuồng với nợ xấu vì covid-19

12/01/2025
HSBC và các ngân hàng khác ở châu Á trong khu vực đang phải đối mặt với áp lực sụt giảm hàng tỷ USD (tương đương hàng chục nghìn tỷ VND) doanh thu và mức chi phí dự phòng thậm chí còn lớn hơn nữa do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tác động sẽ còn tăng gấp đôi nếu dịch bệnh không được kiểm soát vào tháng 3 tới.

HSBC mới đây tuyên bố về khoản lỗ 600 triệu USD khi nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động và nhu cầu chi tiêu từ người tiêu dùng giảm mạnh. Trong khi đó, DBS của Singapore, ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Đông Nam Á, cũng ước tính giảm ít nhất 100 triệu USD doanh thu. Tổ chức xếp hạng S&P Global cho biết virus Covid-19 có thể làm gia tăng 770 tỷ USD các khoản nợ xấu, khiến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc đại lục tăng gấp 3 lần.

Khảo sát của Nikkei Asian Review cho thấy mỗi ngân hàng lớn ở Trung Quốc có thể bị mất hơn 300 triệu USD doanh thu khi tăng trưởng cho vay và lợi nhuận được tạo ra từ việc quản lý tài sản, bán bảo hiểm, giao dịch và thu xếp vốn sụt giảm. Nếu bao gồm toàn bộ nhóm các ngân hàng lớn nhất, bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài, trên khắp châu Á, thì tổng tác động có thể nhiều hơn gấp ba lần. 

Các ngân hàng đang phải đối mặt với hiệu ứng lan tỏa từ sự gián đoạn mà các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ phải đối mặt. Các nhà phân tích cho biết những biện pháp kích thích nền kinh tế của Trung Quốc có thể phá hỏng các nỗ lực làm sạch 1,5 nghìn tỷ USD nợ xấu của ngành ngân hàng nước này. Trong khi các ngân hàng Trung Quốc ước tính chịu phần lớn thiệt hại trong khu vực, các ngân hàng châu Á và các ngân hàng nước ngoài khác sẽ phải đối mặt với thu nhập phí thấp hơn khi khách hàng hạn chế giao dịch, đầu tư quản lý tài sản và mua bảo hiểm. 

Sự bùng phát của virus Covid-19 đã khiến nhiều vùng công nghiệp của Trung Quốc phải tạm thời đóng cửa và làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế của các quốc gia châu Á khác. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc dự báo giảm xuống 3% trong quý đầu tiên, theo một ước tính trung bình của các nhà kinh tế, từ 6% trong quý IV/2019. Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi vào giữa quý II.

Một nhà quản lý quỹ tại Hồng Kông sở hữu cổ phần của HSBC, Ngân hàng Công nghiệp & Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) cho biết: "Nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục kéo dài mà không được khống chế vào tháng 3 tới, một số ngân hàng sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Chúng tôi đang tìm cách bảo vệ danh mục đầu tư của mình."

Hơn 2.700 ca tử vong và hàng chục ngàn ca lây nhiễm đã được xác định là do loại virus này. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng các nhà chức trách không thể ngăn chặn việc Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế lớn nhất thế giới cuối tuần qua đã ghi nhận rằng những rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu vẫn tồn tại từ sự bùng phát của dịch bệnh. Họ thông báo sẽ sẵn sàng đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Bắc Kinh cũng đã cắt giảm lãi suất cho vay, bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính và đưa ra các khoản vay ưu đãi và giảm thuế cho các ngành công nghiệp bị dịch bệnh gây tổn hại nặng nhất. Hàn Quốc, nơi đang có hàng trăm trường hợp được xác nhận nhiễm virus, cũng đã triển khai các khoản vay ưu đãi cho các ngành công nghiệp.

Theo Andrew Sullivan, giám đốc của công ty môi giới và đầu tư Pearl Bridge Partners có trụ sở tại Hồng Kông, "Việc thúc đẩy mở rộng thêm các khoản vay có thể "giải cứu" hệ thống tài chính Trung Quốc đang quay cuồng vì nợ xấu."

Sau khi phân tích việc nới lỏng quy định về nợ xấu, S&P ước tính tỷ lệ các khoản nợ "nghi ngờ" của các ngân hàng Trung Quốc sẽ đạt mức 10,5% đến 11% sau khi dịch bùng phát từ khoảng 7,5% hiện nay. Nếu dịch bệnh lên đến đỉnh điểm vào tháng 3, S&P ước tính nợ xấu sẽ tăng 5,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (767,9 tỷ USD) trước khi chính phủ hỗ trợ và xóa nợ.

Cũng theo báo cáo của S&P, nếu các ngân hàng dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu mới trong cùng kỳ kế toán, việc tăng nợ xấu có thể làm giảm khoảng 350 điểm cơ bản trong tỷ lệ an toàn vốn của ngành.

Tuy nhiên, họ hy vọng các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ, chẳng hạn như kéo dài thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp và người dân để giảm bớt áp lực. Điều đó sẽ cho phép các ngân hàng trừ dần các khoản vay "nghi ngờ" - những khoản chưa được phân loại là nợ xấu - trong một khoảng thời gian dài hơn.

Các ngân hàng Trung Quốc chưa phản hồi gì về tác động của dịch bệnh đối với hoạt động của họ. Các ngân hàng lớn nhất, bao gồm bốn công ty hàng đầu - ICBC, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - sẽ báo cáo thu nhập cả năm vào tháng Ba.

Sau khi HSBC báo cáo thu nhập vào tuần trước, Giám đốc tài chính Ewen Stevenson nói với các nhà đầu tư và các nhà phân tích rằng tác động của đại dịch Covid-19 trong quý đầu tiên đối với ngân hàng có thể gây ra tổn thất cho vay là từ 200 - 500 triệu USD. Trường hợp xấu nhất, con số này sẽ lên đến 600 triệu USD. Mặc dù ông không tiết lộ tác động đến doanh thu, nhưng cũng nhấn mạnh rằng nó sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài sau tháng tới.

Giám đốc điều hành của DBS, Piyush Gupta ước tính rằng ngân hàng sẽ chịu thiệt hại trong quý đầu tiên và dự đoán đại dịch sẽ được kiểm soát trước đó. Ông ước tính rằng doanh thu có thể sẽ chịu một khoản lỗ 100 - 150 triệu USD, tương đương 1% tổng thu nhập. Con số đó có thể tăng lên gấp đôi nếu đợt bùng phát kéo dài hơn, vị giám đốc này phát biểu trong một hội nghị vào đầu tháng này. 

DBS dự đoán phí quản lý tài sản sẽ giảm khi chứng kiến một số dấu hiệu của sự sụt giảm doanh thu bán lẻ, điều mà sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng của ngân hàng, Gupta nói. Ngân hàng cũng đang nhận thấy những tác động đến doanh số của trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp nhỏ. Và chi phí tín dụng sẽ tăng lên tới 50 triệu USD.

Bank of East Asia đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho vay và thu nhập từ phí xuống còn 1 chữ số. Đồng thời, ngân hàng cũng dự kiến sẽ cắt giảm từ 10 đến 20 điểm cơ bản trong chi phí tín dụng ở Hồng Kông do sự bùng phát của dịch bệnh. 

Vincent Tsui, nhà phân tích châu Á tại Gavekal Research, nhận định, "Tác động của sự bùng phát virus Covid-19 vẫn chưa được phản ánh trên hệ thống ngân hàng châu Á, nhưng có vẻ như tác động kinh tế vĩ mô lớn hơn những gì thị trường dự đoán.

Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào "thời gian bùng phát và phản ứng chính sách của chính phủ", ông nói thêm rằng trong khi nợ xấu tăng lên, thì "có đủ bộ đệm trong hệ thống ngân hàng để "hấp thụ" cú sốc kinh tế."

Các ngân hàng châu Á là những ngân hàng có tỷ lệ vốn hóa cao nhất thế giới, với tỷ lệ vốn cấp 1, thước đo khả năng của các ngân hàng trong việc hấp thụ các khoản lỗ trong tương lai, cao hơn 11% tài sản trên toàn khu vực. Theo báo cáo tài chính mới nhất, HSBC, Standard Chartered và Singapore đứng đầu danh sách với hơn 14%, các ngân hàng lớn nhất tại Trung Quốc nắm giữ từ 12% trở lên. Trong khi đó, mức tối thiểu trên thế giới theo quy định của các cơ quan quản lý chỉ là 7%.

Đối với các ngân hàng châu Á, "Nếu tình hình ổn định, chúng ta sẽ phục hồi trong nửa cuối năm, mặc dù chúng tôi nghĩ rằng lợi nhuận cả năm sẽ chịu áp lực với tăng trưởng cho vay thấp", Michael Wu, chuyên gia phân tích tại Morningstar nhận định.

"Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản trung và dài hạn vẫn giữ nguyên, với tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm ngân hàng và tăng trưởng thu nhập trong những năm tới."

Tham khảo: Nikkei

Nguồn: