Các thị trường mới nổi, từ nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn là Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga – quốc gia đang bị trừng phạt nặng nề - cũng có thể phải tăng cường các biện pháp để bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Dưới đây là những sự kiện sẽ được giới phân tích và đầu tư toàn cầu theo dõi trong tuần tới:
1/ Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất
Các thị trường từ lâu đã chờ đợi quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và điều đó gần như chắc chắn sắp đến. Với lạm phát ở mức gần 8%, ngân hàng trung ương Mỹ có vẻ sẽ kết thúc cuộc họp vào thứ Tư (16/3) với quyết định tăng lãi suất thêm 1/4 điểm, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2018.
Khả năng tăng nhiều hơn nữa không còn được thị trường kỳ vọng do cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến giá hàng hóa tăng vọt và sự bất ổn ngày càng gia tăng đang ảnh hưởng đến các thị trường.
Cho đến nay, sự biến động của thị trường hầu như không làm thay đổi quan điểm rằng Fed sẽ "nghiến răng" tăng lãi suất ở mức độ vừa phải để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi điều đó có nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất liên ngân hàng và giá cổ phiếu Mỹ.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), sẽ họp ngày 17-18 tháng 3, tự nhận thấy rằng mình có rất ít cơ hội để hành động như đa số các ngân hàng trung ương khác. Chiến tranh đang làm trầm trọng thêm lạm phát nhưng cũng gây tổn hại cho một nền kinh tế vẫn còn bị trói buộc bởi các biện pháp hạn chế chống COVID-19. BoJ ôn hòa không thể thắt chặt chính sách ngay bây giờ, nhưng cũng không còn phạm vi để nới lỏng thêm nữa, bởi đã kích thích tối đa.
2/ Anh tăng lãi suất lần 3
Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất lên 0,75% vào thứ Năm (17/3), lần tăng thứ ba kể từ tháng 12.
Nhưng trong khi lạm phát đang ở mức cao hơn gấp đôi mục tiêu, các nhà đầu tư không còn mong đợi mức tăng 0,5% nữa, mặc dù họ sẽ theo dõi đánh giá của ngân hàng về việc cuộc chiến ở Ukraine đang ảnh hưởng đến triển vọng chính sách như thế nào.
Giá hàng hóa tăng vọt đồng nghĩa với lạm phát tăng theo mà BoE sẽ cần phải đối phó bằng chính sách thắt chặt hơn nữa. Tuy nhiên, tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng cũng cần được xem xét.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng các hộ gia đình Anh phải đối mặt với sự sụt giảm mức sống tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Dữ liệu về thu nhập và thị trường lao động, rất quan trọng đối với quyết sách của ngân hàng trung ương, sẽ được công bố vào thứ Tư (16/3).
Các thị tường tiền tệ ở Anh nâng mức đặt cược về việc BOE tăng lãi suất.
3/ Thị trường dầu có trở lại như những năm 1970?
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 14 năm trở lại đây, gần 140 USD, củng cố lập luận rằng những năm 2020 có thể trở lại giống như những năm 1970.
Lưu ý rằng, có nhiều điểm tương đồng giữa 2 mốc lịch sử này: một sự kiện địa chính trị gây ra cú sốc giá dầu, lạm phát tăng vọt mà các ngân hàng trung ương phản ứng chậm chạp, và rủi ro suy thoái kinh tế. Các ngân hàng đang nâng mức dự báo lạm phát và cắt giảm ước tính GDP; ABN AMRO cho rằng cú sốc về năng lượng và hàng hóa có thể kéo dài một năm.
Nhưng cũng có sự khác biệt: Các tổ chức lao động không có đủ khả năng để thúc đẩy mức lương cao hơn, trong khi các ngân hàng trung ương lớn lại là mục tiêu về lạm phát. Cho đến nay hầu hết các ngân hàng đều bám vào kế hoạch tăng lãi suất.
Nhưng nhiệm vụ của họ đang trở nên khó khăn hơn khi giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Và nếu nói về tỷ lệ phân chia nhiên liệu, so sánh với những năm 1970 sẽ thấy tình thế hiện tại thậm chí còn khó khăn hơn.
Lạm phát trở lại mức cao như những năm 1970.
4/ Chính sách ưu tiên của Trung Quốc
Sự ổn định kinh tế, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, đang gặp rủi ro khi Bắc Kinh cố gắng duy trì quan hệ với Nga và hạn chế những hậu quả từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Thương mại Trung-Nga đã tăng mạnh trong năm nay, nhưng lợi nhuận sẽ bị xóa sổ nếu các liên kết kinh tế với phương Tây trở nên khó khăn. Mỹ đã cảnh báo có thể trừng phạt các công ty Trung Quốc thúc đẩy thương mại với Nga.
Và triển vọng kinh tế toàn cầu đang u ám đang làm tăng thêm những căng thẳng kéo dài hàng tháng cho các nhà máy Trung Quốc vốn đã ngập trong khó khăn vì chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Dữ liệu về Trung Quốc trong những ngày tới sẽ được theo dõi chặt chẽ, bao gồm: các con số về tổng tài chính có tính xã hội (Social Finance), một thước đo tín dụng rộng rãi trong nền kinh tế - tháng trước đã đạt kỷ lục, và tăng trưởng cho vay ngân hàng.
Trung Quốc đang tăng cường kích thích kinh tế khi các nhà lãnh đạo nước này nhấn mạnh sự cần thiết của sự ổn định. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.
Thương mại Trung Quốc – Nga tăng trong năm 2022.
5/Các thị trường mới nổi
Đối với một số nền kinh tế đang phát triển, giá hàng hóa và năng lượng tăng cao là một lợi ích. Nhưng đối với những người khác, chúng là "cơn gió ngược".
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, đối mặt với lạm phát trên 50% trong khi nhập khẩu năng lượng ngày càng tốn kém và doanh thu từ khách du lịch Nga giảm mạnh, sẽ họp vào thứ Năm (17/3). Các nhà hoạch định chính sách Brazil, những người đã nâng lãi suất chuẩn lên gần 10 điểm phần trăm trong 12 tháng qua, cũng sẽ họp vào thứ Năm. Indonesia cũng quyết định lãi suất trong cùng ngày đó.
Ngân hàng trung ương Nga, đang ở trong tình thế khó khăn nhất, sẽ họp vào thứ Sáu (18/3). Ngân hàng này đã tăng hơn gấp đôi tỷ lệ lãi suất lên 20% sau khi triển khai quân sự ở Ukraine, song lạm phát so theo năm vẫn vượt 10% trong tuần tính đến ngày 4 tháng 3, khi mà suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc, khiến ngân hàng này vô cùng khó khăn trong việc lựa chọn quyết định chính sách vào lúc này.
Giá dầu thô tính theo USD so sánh với giá dầu tính theo tiền của một số nền kinh tế mới nổi.
Tham khảo: Refinitiv
Nguồn: