Năm 2020, Covid-19 khiến nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nợ xấu tăng cao, tín dụng khó đẩy, phải hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro và nhiều kế hoạch phải trì hoãn. Tuy nhiên cũng có những ngân hàng vẫn băng băng về đích nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng và có các kịch bản dự phòng cho các trường hợp khó khăn nhất xảy ra.
Tại Ngân hàng Hàng Hải, ông Nguyễn Hoàng Linh, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc cho biết, ngân hàng đang kinh doanh có hiệu quả cao nhất trong nhiều năm, và chỉ sau 9 tháng đã hoàn thành mục tiêu của cả năm. Hơn nữa, trong năm nay ngân hàng không chỉ hoàn thành sớm chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra, mà còn hoàn thành cả các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 2018 – 2023 sớm hơn 2 năm so với dự kiến. MSB cũng đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) trong tháng 12/2020 theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Những chỉ tiêu mà ngân hàng đã đạt sớm hơn kế hoạch trong chiến lược 2018 – 2023 là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Được sự tư vấn chiến lược bởi Mc Kinsey, từ năm 2017 MSB đã xây dựng kế hoạch chiến lược 5 năm 2018 – 2023 trong đó xác định sẽ xây dựng ngân hàng phát triển lành mạnh, bền vững, có mức sinh lời nằm trong nhóm tốt nhất trên thị trường.
MSB không chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá. Nhìn vào bảng tổng kết tài sản, ngân hàng tăng trưởng vừa phải, những tài sản sinh lời chính tăng 30% mỗi năm, tài sản hiện ở mức hơn 165 nghìn tỷ đồng. Hiệu quả hoạt động được tăng lên đáng kể khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) kéo xuống mức 46,2%, từ 62% năm 2018 và 48% cuối quý 3/2020. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động (CASA) đạt 25%, tổng lượng CASA tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 49% so với giá trị CASA của năm 2018.
Về lợi nhuận, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã vượt kế hoạch năm. Tính đến hết 10 tháng, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế 1.969 tỷ đồng, tương đương gần 137% kế hoạch cả năm và tăng 86% so với cùng kỳ năm trước, tăng 88% so với cả năm 2018.
Đặc biệt ngân hàng đã tất toán sớm nợ xấu đã bán cho VAMC, hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và đang tiến tới Basel III và bắt đầu triển khai hệ thống IFRS9.
MSB đặt mục tiêu tỷ suất sinh lời thuộc top đầu vậy hiện nay ROE ở mức bao nhiêu, ngân hàng có tự tin sẽ dẫn đầu khi mà các ngân hàng khác cũng đang cạnh tranh rất mạnh mẽ và có vị thế khá vững chắc?
Khi MSB lên chiến lược với Mc Kinsey thì đặt mục tiêu ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) là khoảng 20%/năm. Với nền tảng hiện tại, chúng tôi hi vọng năm 2023 chỉ số này sẽ đạt 30%.
Động lực nào giúp MSB tăng mục tiêu đạt ROE từ 20% hiện tại lên 30% thưa ông?
Hiện tại MSB đang mạnh về mảng SME, Định chế tài chính (FI) là một nhà tạo lập thị trường (Market maker) của trái phiếu Chính phủ (trừ nhóm NHNN) và giao dịch forex. Như riêng năm nay, FI đóng góp vào doanh thu thuần cho ngân hàng tới gần 1.700 tỷ. Các mảng này thời gian tới sẽ được giữ vững.
Còn động lực chính của MSB trong 3 năm tới sẽ là kinh doanh bán lẻ. Hiện tỷ trọng lợi nhuận do mảng bán lẻ mang lại ở MSB mới chỉ khoảng dưới 10% trong khi ở các ngân hàng khác tới 40 – 60%, do đó còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chúng tôi đặt kế hoạch đến năm 2023 mảng bán lẻ sẽ đóng góp vào lợi nhuận cho MSB trên 2.000 tỷ đồng.
Chúng tôi có 2 cơ sở chính để tự tin đạt mục tiêu. Thứ nhất thực hiện chuyển đổi số. Mới đây MSB đã ký hợp đồng tư vấn kích hoạt quá trình chuyển đổi số với McKinsey trong vòng 02 năm và chuyển đổi Corebanking. MSB cũng đang thực hiện chuyển đổi số hóa qua việc xây dựng một bộ phận riêng Digital Factory khoảng 300 nhân sự độc lập thực hiện công việc đó. MSB sẽ xây dựng nền tảng cho 2 hệ sinh thái đó là Y tế - Giáo dục và Du lịch - Vận tải.
Thứ hai là, MSB đang triển khai một ngân hàng số độc lập – TNEX – một dạng fintech marketplace vận hành bên trong ngân hàng, nơi kết nối người bán hàng và người tiêu dùng nhằm xây dựng hệ sinh thái và tạo kinh nghiệm cho chuyển đổi số.
Sản phẩm trọng tâm hướng tới là cho hộ kinh doanh – M-Business. Đây là sản phẩm ưu việt với nhiều ưu đãi cạnh tranh trên thị trường.
Ngân hàng chú trọng mảng ngân hàng số như vậy, còn mảng ngân hàng truyền thống thì sao?
Trong xu thế phát triển ngân hàng có 2 hình thức, một là ngân hàng số hoàn chỉnh (Full Digital Banking) và hai là chuyển đổi số trên nền tảng Ngân hàng truyền thống.
MSB đang làm song song cả hai. Một mặt, chúng tôi lựa chọn chuyển đổi số trên nền tảng ngân hàng truyền thống vì ngân hàng số không thể thay thế toàn bộ ngân hàng truyền thống. Mặt khác, MSB cũng đang tạo tiền đề để làm fully digital thông qua một ngân hàng số độc lập (TNEX).
Vì sao như vậy? Bởi nếu làm fully digital thì chỉ tập trung phân khúc cụ thể và số hóa được toàn bộ hành trình của khách hàng, không thể đáp ứng được một cách đẩy đủ các nghiệp vụ của ngân hàng truyền thống.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh liên kết bảo hiểm nhân thọ - vốn được đánh giá là "mỏ vàng" để các nhà băng khai thác, ở MSB có vẻ không mấy chú trọng?
MSB cũng là một "ngôi sao" trong hoạt động Banca. Hiện chúng tôi thuộc nhóm top trên thị trường về bảo hiểm với doanh thu tháng gần nhất 53 tỷ đồng. Năm nay, MSB cũng đang đàm phán với các đối tác bảo hiểm độc quyền và sẽ thông báo ra thị trường vào năm tới.
Năm nay ngành ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, chiến lược phát triển của MSB thời gian tới liệu có thay đổi không thưa ông?
Nằm trong xu thế chung, năm nay Covid-19 đã có những tác động rất lớn tới ngành ngân hàng. Một mặt làm cho nợ xấu gia tăng, dù hiện tại có thể chưa nhiều vì còn có độ trễ và còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ hồi phục của nền kinh tế, nếu nền kinh tế phục hồi nhanh thì vết thương cũng sẽ nhanh lành. Nhưng mặt khác cũng có những thứ Covid-19 mang lại đó là thay đổi văn hóa làm việc (làm việc online nhiều hơn, nhanh hơn), thúc đẩy số hóa nhanh hơn (eKYC, tăng trưởng giao dịch trên ngân hàng điện tử rất nhanh…)
Ở MSB bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là không đáng kể. Hàng tháng chúng tôi đều có đánh giá danh sách khách hàng bị ảnh hưởng hoặc dự báo sẽ bị ảnh hưởng để có phương án hỗ trợ tối ưu nhất như cơ cấu lại gốc, cơ cấu lãi, miễn giảm lãi…
Nhưng quan trọng hơn cả đó là khẩu vị rủi ro của MSB rất chắc chắn, có sự sàng lọc kỹ khách hàng tốt từ giai đoạn đầu vào. Danh mục tín dụng cũng phân tán, trải rộng chứ không tập trung hẳn vào mảng nào, kể cả bất động sản. Quá trình xử lý nợ xấu thì khắt khe, phân tách rõ ràng vai trò, trách nhiệm của các bộ phận, có KPI rõ ràng cho từng bộ phận và buộc các bộ phận phải tự kết nối với nhau để hướng tới hiệu quả cuối cùng cao nhất.
Bởi vậy khi dịch bệnh xảy ra thì các chiến lược mà ngân hàng đã đưa ra từ trước cũng không bị ảnh hưởng, chúng tôi chỉ có bổ sung thêm chứ không thay đổi.
Với nền tảng hiện nay, MSB đặt kế hoạch gì cho năm 2021?
Ngân hàng vẫn kiên định mục tiêu đã đề ra đó là tăng trưởng 30% mỗi năm. Năm nay lợi nhuận có thể khoảng 2.400 - 2.500 tỷ thì năm tới sẽ thêm 30% nữa.
Ngân hàng mới đây đã thực hiện đăng ký, lưu ký cổ phiếu tại VSD và vừa được HoSE chấp thuận niêm yết, ông có thể tiết lộ thêm một vài điều về kế hoạch này?
Chúng tôi sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu MSB trên HSX vào tháng 12/2020. Mức giá cụ thể còn đang đánh giá để làm sao đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các cổ đông và nhà đầu tư.
Sau khi lên sàn, ngân hàng sẽ xin tăng vốn bằng chia cổ tức từ lợi nhuận giữ lại để đáp ứng các chỉ số an toàn vốn theo Basel II. Nguồn lợi nhuận giữ lại rất tốt nên ngân hàng trước mắt chưa bị áp lực trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài.
VN-Index đã vượt mốc 1.000 điểm, theo ông có phải MSB liệu có may mắn khi quyết định niêm yết cổ phiếu vào thời điểm này?
Thị trường chứng khoán thuận lợi vừa là may mắn với nhà đầu tư vừa với cả MSB. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán gặp may mắn là tín hiệu tốt, còn mục tiêu cuối cùng mà ngân hàng hướng đến vẫn là đưa giá trị thực lên sàn.
Nhiều ngân hàng khi đã "thịnh vượng" thì bắt đầu quan tâm nhiều hơn cho nhân sự với các chính sách ưu đãi để thu hút và giữ chân nhân tài, xin hỏi chính sách nhân sự của MSB hiện nay ra sao thưa ông?
Trước đây MSB trong giai đoạn còn đang định hình thì thu hút nhân tài ở bên ngoài nhiều. Nhưng hiện tại (năm nay), khi đã có chiến lược rõ ràng, ngân hàng bắt đầu thực hiện chính sách ưu tiên bổ nhiệm lãnh đạo nội bộ. Vì vậy ngân hàng chú trọng đào tạo, phân ra các lớp nhân sự ra để đào tạo các lớp kế cận, từ nhân viên lên cấp trung, cấp trung lên cấp cao… Với các nhân sự từ cấp trung trở lên, MSB còn có các chính sách ưu đãi khác như lương, ESOP… để tạo sự gắn kết trong nội bộ.
Để phục vụ cho chiến lược của các năm tới, ngân hàng có kế hoạch phát triển, mở rộng nhân sự như thế nào?
Hiện MSB đang tích cực tìm kiếm nhân sự cho Digital Factory và Sales mảng khách hàng cá nhân và SMEs. Mặt khác, với mục tiêu là đối tác phát triển sự nghiệp của CBNV, ưu tiên phát triển năng lực nhân sự nội bộ, MSB coi các chương trình đào tạo là trụ cột quan trọng.
Tại MSB, hàng năm, chúng tôi tổ chức khoảng hơn 1.000 khóa đào tạo cho nhân viên. Các chương trình được thiết kế chuyên biệt theo từng nhóm đối tượng như Fresher – những nhân sự mới đặt chân vào lĩnh vực ngân hàng, lãnh đạo trẻ tiềm năng hay đội ngũ Lãnh đạo kế cận ở các cấp độ… Dự kiến trong năm 2021, số khóa đào tạo sẽ được nâng lên con số 1.200. Công tác đào tạo này chính là nền tảng để cán bộ nhân viên nâng cao năng lực cá nhân, hướng tới mục tiêu lương thưởng tốt. Bởi tại MSB, mỗi cá nhân sẽ là người tự đưa ra quyết định với thu nhập của chính mình.
Trong thời gian tới, MSB sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời xây dựng văn hóa tổ chức có chiều sâu để trở thành ngân hàng "ai cũng muốn tham gia và không ai muốn rời bỏ". Trên hết, tôi tin rằng một tập thể vững mạnh sẽ là yếu tố tiên quyết để đạt được mục tiêu đưa MSB trở lại top đầu.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: